Phát huy trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên
Điều cần nhấn mạnh và phát triển trong đạo đức của người cán bộ, đảng viên là sự gương mẫu, tính tiên phong, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Cán bộ có cương vị càng cao càng phải gương mẫu nhiều hơn bên cạnh những yêu cầu khác đối với người lãnh đạo. Đây là trách nhiệm đạo đức mà Đảng và nhân dân đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Điều cần nhấn mạnh và phát triển trong đạo đức của người cán bộ, đảng viên là sự gương mẫu, tính tiên phong, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Cán bộ có cương vị càng cao càng phải gương mẫu nhiều hơn bên cạnh những yêu cầu khác đối với người lãnh đạo. Đây là trách nhiệm đạo đức mà Đảng và nhân dân đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Đảng lãnh đạo bằng thuyết phục, nêu gương
“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh1). Đạo đức nằm trong và góp phần tạo dựng phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, tổ chức và cả bằng thuyết phục, nêu gương. Nêu gương chính là nêu những gương về đạo đức và hành động để mọi người tin tưởng và làm theo. Người cán bộ, đảng viên phải “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Những giá trị tốt đẹp trong đạo đức truyền thống cần được kết hợp với những giá trị đạo đức cách mạng đã được Đảng xây dựng và gìn giữ hơn 90 năm qua: Tinh thần xung phong, gương mẫu; trung thành với lý tưởng; tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật, hăng hái thi đua, tác phong giản dị, khiêm tốn, cầu thị... để hình thành nên những giá trị đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đạo đức của Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức xã hội.
Việc nêu gương tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên đòi hỏi sự sáng tạo, năng động phát hiện những cái mới và cả những cái cũ đã bất hợp lý để kịp thời bổ sung, thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của tình hình, của nhiệm vụ, của đối tượng lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm túc chức năng và trách nhiệm của mình, chịu đầy đủ trách nhiệm về những quyết định của mình, tránh hiện tượng không dám hoặc không muốn quyết định theo đúng nhiệm vụ và quyền hạn ở cương vị mình được phân công, đẩy trách nhiệm lên trên hoặc chuyển trách nhiệm sang nơi khác.
Trong lịch sử Đảng, chúng ta đã có những tấm gương lớn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã có tác động xoay chuyển tình hình. Từ năm 1968, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã cải tiến quản lý hợp tác xã bằng phương thức sản xuất mới là “Khoán hộ”. Từ cơ sở này, Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện “Khoán 10”. Kết quả là ngay năm sau, Việt Nam không những “đủ ăn” mà còn lần đầu tiên xuất khẩu gạo. Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được nhắc nhiều đến là “tác giả” của đường dây 500kV Bắc-Nam, có tác dụng quyết định nhiều mặt giúp giải bài toán cân đối nguồn điện giữa hai miền. Thủ tướng còn có nhiều quyết định quyết đoán mang đậm dấu ấn dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân, của đất nước v.v.
Trong những nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Đảng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, đấu tranh với những biểu hiện cụ thể của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều cần nhấn mạnh và phát triển với người đảng viên, đặc biệt với các cán bộ lãnh đạo, là sự gương mẫu về đạo đức, là tính tiên phong, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và trước dân. Người đảng viên đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo càng cần phải gương mẫu thực hiện điều này. Người giữ cương vị càng cao càng phải gương mẫu nhiều hơn bên cạnh những yêu cầu khác về phẩm chất và năng lực lãnh đạo. Đó cũng là trách nhiệm mà Đảng và nhân dân đòi hỏi mỗi đảng viên là cán bộ lãnh đạo phải thực hiện nghiêm túc.
“Bệnh” sợ trách nhiệm cần có “thuốc đặc trị”
Đảng đẩy mạnh quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả đã hiện rõ trong xã hội, có tác dụng răn đe, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng cũng đã xảy ra hiện tượng một số cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ở những nơi đó, cán bộ làm việc cầm chừng với tâm lý “phòng thủ”, “che chắn”. Có tình trạng cán bộ “sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc”. Hiện tượng cán bộ không dám làm vì “làm gì cũng sợ sai” đã tác động tiêu cực tới cả xã hội. Cán bộ “sợ” không dám quyết ảnh hưởng xấu tới kế hoạch, khiến công việc đình trệ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc không được giải quyết kịp thời, nhiều công trình, dự án trọng điểm không triển khai đúng tiến độ. Với những công việc nhạy cảm, phức tạp liên quan tới nhiều cơ quan, ngành, địa phương, như giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp v.v sự sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy lại càng gây chậm trễ và bức xúc. Tình trạng này sẽ làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng trì trệ, ứ đọng các nguồn lực đầu tư là động lực quan trọng để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi trải qua thời gian dịch bệnh hoành hành làm đình trệ đời sống kinh tế - xã hội.
Tình trạng không dám quyết, không dám làm diễn ra ở một số nơi, có nguyên nhân chủ quan từ vai trò, trách nhiệm và sự nêu gương tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, bắt đầu từ những người đứng đầu, chưa được phát huy. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội có mặt còn bất cập, chồng chéo, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời, thống nhất cũng là nguyên nhân góp thêm.
Nhìn tổng thể, “căn bệnh” sợ sai, sợ trách nhiệm vốn đã có từ lâu trong một bộ phận cán bộ, công chức nhưng nay đã diễn biến trầm trọng hơn. Sau hàng loạt vụ vi phạm bị phát hiện, nhiều cán bộ bị khởi tố, bị kỷ luật vì sai phạm thì tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, hay làm việc cầm chừng, thậm chí không dám làm, không dám quyết “cho an toàn” càng bộc lộ phổ biến hơn. "Bệnh" này cần có “thuốc đặc trị”.
Quyết tâm và những chuyển động trong thực tiễn
Từ năm 2012, Ban Bí thư đã có Quy định số 101-QĐ/TW Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định này nhấn mạnh bảy lĩnh vực cần nêu gương: Về tư tưởng chính trị; Về đạo đức, lối sống, tác phong; Về tự phê bình, phê bình; Về quan hệ với nhân dân; Về trách nhiệm trong công tác; Về ý thức tổ chức kỷ luật; Về đoàn kết nội bộ. Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XII (10/2018) ban hành Quy định 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt với các cán bộ ở cấp cao nhất. Những quy định đó thể hiện quyết tâm của Đảng đấu tranh với những biểu hiện thiếu tính tiên phong, không gương mẫu, sa sút đạo đức. Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy phải chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải luôn luôn gương mẫu. Trong toàn Đảng cần đấu tranh loại bỏ tư tưởng cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, kìm hãm sự sáng tạo, đấu tranh với những biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Để hóa giải tư tưởng cầu an, né tránh, sợ trách nhiệm cần có một hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hiện thực hóa quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để tránh tình trạng người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá lại thua thiệt, rủi ro, còn người sợ sai, sợ trách nhiệm, không làm gì lại an toàn, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 (9/2021) về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thể chế hóa Kết luận 14, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo và sẽ trình Chính phủ Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên.
Trong đời sống kinh tế - xã hội cũng đã thấy những chuyển động tích cực. Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ liên tục yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định các vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; thực hiện việc luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, “đầu tầu” kinh tế mạnh mẽ nhất của cả nước, ngày 6/6/2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đạo rõ: “Đối với những trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định, xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực”2.
Muốn cán bộ, đảng viên, công chức trước hết thực hiện đúng quyền hạn, chức trách, hoàn thành trách nhiệm công việc của mình rồi phấn đấu ở mức cao hơn là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thì trước hết phải bắt đầu từ những người đứng đầu phát huy vai trò nêu gương, dẫn dắt. Muốn thực hiện tốt việc nêu gương, cùng với tấm lòng trung thực còn cần có ý chí phấn đấu cao. Điều quan trọng hơn để có thể dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu”3.
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr 284
2 Vietnamplus - https://www.vietnamplus.vn/tphcm-yeu-cau-xu-ly-nghiem-truong-hop-dun-day-ne-tranh-trach-nhiem/866766.vnp
3 Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh - Báo Nhân Dân, ngày 19/6/2023, https://special.nhandan.vn/hoi-nghi-so-ket-1-nam-phong-chong-tham-nhung/index.html