Phát huy tinh thần dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân
Luật sư Đào Thu Trang hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Hiến pháp năm 2013. Bà Đào Thu Trang cho rằng, những điểm sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy tinh thần dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.
Ngày 9/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 sẽ sửa 8 Điều của Hiến pháp năm 2013 là Điều 9, Điều 10, Điều 84, Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 114, Điều 115.
Góp ý vào dự thảo, luật sư Đào Thu Trang, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ VNNA & Associates cho biết, bà hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Hiến pháp năm 2013.

Ông Phạm Anh Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 12, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội đồng tình với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Ảnh: Công Phương.
Luật sư Đào Thu Trang cho biết thêm, những điểm sửa đổi, bổ sung thể hiện rõ hướng đi mới của nước ta trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy tinh thần dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.
Việc xác định rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo giúp tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị, đồng thời khẳng định vị trí trung tâm của Mặt trận trong việc đại diện, phản ánh và bảo vệ lợi ích của Nhân dân.
Các quy định mới về công đoàn, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính cũng rất hợp lý, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, tổ chức và thực thi quyền lực Nhà nước tại cấp cơ sở. Đặc biệt, những điều khoản liên quan đến trình tự và thủ tục thành lập, giải thể, xác định ý kiến Nhân dân trong quá trình xây dựng và điều chỉnh địa giới hành chính sẽ góp phần đảm bảo tính dân chủ, minh bạch và phù hợp với thực tiễn địa phương.
"Những sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp 2013 thể hiện sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ mới, góp phần củng cố nền tảng pháp lý, thúc đẩy công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh", luật sư Đào Thu Trang nhấn mạnh.
Cùng tham gia góp ý về dự thảo Hiến pháp 2013, ông Phạm Anh Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 12, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn đồng tình với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Ông Phạm Anh Dũng cho biết thêm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnhđại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Phạm Anh Dũng, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 được Nhân dân ủng hộ và kỳ vọng đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và hội nhập quốc tế.
Theo Kế hoạch số 128/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân trên địa bàn thành phố trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Các ban, sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lên kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, mở chuyên mục lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Các cá nhân ngoài việc góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ có thể góp ý trên các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân nêu tại mục III của Kế hoạch này.
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết: bắt đầu từ ngày 9/5 và hoàn thành vào ngày 25/5/2025. Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại văn bản số 2441/BTP-PLHSHC ngày 6/5/2025 của Bộ Tư pháp; nội dung báo cáo phải tập hợp và phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức.
Về tiến độ thực hiện: ngày 9/5/2025, công bố dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp trên Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, các ban, sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. Từ ngày 12 đến 25/5/2025: các cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình theo hình thức xác định tại mục II.3 của kế hoạch này; các cá nhân có thể trực tiếp đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử UBND thành phố, Cổng thông tin điện tử các ban, sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã hoặc gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến Nhân dân. Chậm nhất ngày 26/5/2025, các cơ quan, tổ chức, địa phương, các ngành, các cấp gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến đến UBND thành phố (qua Sở Tư pháp TP Hà Nội).
Điều 9 sửa đổi, bổ sung:
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động".
Điều 10 sửa đổi, bổ sung:
1. Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Điều 84 sửa đổi, bổ sung:
"1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội".
Điều 110 sửa đổi, bổ sung:
"1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. 3. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định".
Điều 111 sửa đổi, bổ sung:
"1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định".
Điều 112 sửa đổi, bổ sung:
"1. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp.
3. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó".
Điều 114 sửa đổi, bổ sung:
"1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
2. Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao."
Điều 115 sửa đổi, bổ sung:
"1. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu".