Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày thêm giàu đẹp, phồn vinh

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội, không riêng đối với nhân dân các DTTS mà còn của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng. Trước thềm đại hội, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh! Xin đồng chí cho biết về những thành tựu mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các DTTS tỉnh Sóc Trăng đạt được trong những năm qua?

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào: Sóc Trăng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; có lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi sinh sống quần tụ hòa thuận, đoàn kết, gắn bó lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và các dân tộc anh em khác. Trong giai đoạn 2019 - 2024, được sự quan tâm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào các DTTS, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế của tỉnh ngày càng khởi sắc; tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,76%/năm; GRDP bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt 60,3 triệu đồng/người/năm. Sản lượng lúa hằng năm của tỉnh đều đạt trên 2 triệu tấn; sản lượng thủy, hải sản đạt trên 300 nghìn tấn mỗi năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội hằng năm đều tăng; hoạt động xuất, nhập khẩu được đẩy mạnh. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tính đến cuối năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD.

Các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 14.826 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có 6.184 căn dành cho đồng bào DTTS; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.808 hộ; hỗ trợ nước sạch cho khoảng 6.201 hộ nghèo khu vực nông thôn; thực hiện kéo điện cho 50.279 hộ (có 9.507 hộ dân tộc Khmer).

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHÍ BẢO

Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh đã hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề cho 614 hộ thiếu đất sản xuất và 549 hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, ấp đặc biệt khó khăn được vay vốn; phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 57.040 lượt hộ đồng bào DTTS để có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo, tự chủ, ổn định cuộc sống... với tổng số tiền trên 2.467 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 24.835 lao động; giải quyết việc làm cho 42.438 người; giới thiệu và cung ứng 141 lao động làm việc nước ngoài. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người DTTS (giảm 6.545 hộ so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực; mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, chất lượng từng bước được nâng cao. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân tiếp tục được quan tâm; thực hiện cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế đến 1.602.872 lượt người DTTS trong giai đoạn 2019 - 2024.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm đầu tư; nhiều đề tài, đề án phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được triển khai thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (có 8 chùa Phật giáo Nam tông Khmer và 6 công trình kiến trúc văn hóa của đồng bào Hoa).

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; chú trọng nắm tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của đồng bào DTTS. Qua đó, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS tiếp tục được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện; tỷ lệ cán bộ người DTTS trong ban chấp hành đảng bộ, HĐND các cấp và các đoàn thể từng bước được nâng lên. Đến tháng 7/2024, toàn tỉnh có 10.081 đảng viên là người DTTS, chiếm 20,32% tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS. Ảnh: CHÍ BẢO

Những kết quả trên đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí vững vàng, vượt qua khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Sóc Trăng thời gian qua.

Phóng viên: Phát huy những kết quả đạt được, xin đồng chí cho biết trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng đề ra những mục tiêu, giải pháp gì nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh?

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào: Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, góp phần tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS trong tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1)- Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người DTTS đạt bằng bình quân chung của tỉnh (khoảng 124 triệu đồng/người/năm).

(2)- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân trong thực hiện các chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Làm tốt công tác vận động, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tự vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS.

(3)- Quan tâm chăm lo giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS; triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; giải quyết tốt tình trạng hộ nghèo người DTTS thiếu đất ở, nhà ở; tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế; nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động...

(4)- Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS.

Phóng viên: Trước thềm Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV năm 2024, đồng chí gửi lời chúc mừng gì đến đại hội, thưa đồng chí!

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào: Kế thừa những thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2019 - 2024, tôi tin tưởng rằng đồng bào các DTTS tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024 đã đề ra, góp phần xây dựng Sóc Trăng đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh!

CHÍ BẢO (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/phat-huy-tinh-than-dai-doan-ket-dan-toc-xay-dung-que-huong-soc-trang-ngay-them-giau-dep-phon-vinh-75458.html
Zalo