Phát huy sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân trong kỷ nguyên mới

Nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Ðiều này đòi hỏi phải ban hành và sửa đổi, bổ sung các đạo luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và 'nội luật hóa' các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có Luật Công đoàn.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Từ kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XV), dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội, bởi tác động đến hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Phần lớn các ý kiến đánh giá, đây là dự án luật khó, có tính phức tạp, mang tính chính trị-pháp lý cao, đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, đòi hỏi phải giải quyết hợp lý, hài hòa nhiều vấn đề có mối quan hệ mật thiết, như: mối quan hệ giữa công đoàn với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam và công đoàn với chức năng, nhiệm vụ cốt lõi là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn vừa nhằm phù hợp với điều kiện, bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta, bảo đảm tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động, vừa phải bảo đảm tính chất, vai trò riêng có của Công đoàn Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều, nổi lên ba chính sách mới. Một là, mở rộng quyền gia nhập, hoạt động công đoàn đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Kể từ khi Luật Công đoàn ra đời năm 1957, một điều chưa có trong tiền lệ đó là việc bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ký và tham gia nhiều hiệp định đa phương, song phương quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có hơn 136.000 người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Nguồn lao động này góp phần nâng cao năng lực, năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước. Do đó, họ cũng cần được tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi họ làm việc trên đất nước Việt Nam, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Ðại biểu Tô Văn Tám (Ðoàn Kon Tum) cho biết, theo số liệu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có 53% số lao động nước ngoài có nhu cầu gia nhập tổ chức Công đoàn. Việc cho phép người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại; đồng thời thể hiện thái độ cởi mở của Ðảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác lưu ý, Công đoàn là một tổ chức chính trị-xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng, có điều lệ, do vậy cần có quy định cụ thể thêm về điều kiện gia nhập Công đoàn của người nước ngoài lao động tại Việt Nam theo hướng họ phải tán thành tôn chỉ, mục đích của Công đoàn, tự nguyện và có trách nhiệm trong việc xây dựng Công đoàn vững mạnh, tránh tình trạng lợi dụng việc gia nhập tổ chức Công đoàn để chống phá.

Hai là, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, đoàn viên công đoàn, bảo đảm Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Hiện nay, ở các cấp Công đoàn, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở liên tục tăng, trong khi tổ chức Công đoàn phải tuân thủ quy định chung về giảm biên chế, nhất là tại các Công đoàn cơ sở.

Về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Ðoàn Trà Vinh) cho rằng, nhiệm vụ của Công đoàn ngày càng phức tạp, khối lượng công việc ngày càng lớn, nhưng biên chế lại rất hạn chế, điều này gia tăng áp lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nơi rất cần sự bảo vệ của tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó, biên chế cán bộ công đoàn hiện nay chỉ bằng 1/3 so với các tổ chức chính trị- xã hội khác, là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là khi số lượng công đoàn cơ sở và đoàn viên ngày một gia tăng. Ðại biểu Thạch Phước Bình cũng chỉ ra việc quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện nay chưa đồng bộ, còn bất cập khi tổ chức Công đoàn trả lương cho cán bộ trong toàn hệ thống, nhưng biên chế lại do cấp ủy địa phương quản lý, dẫn đến không đồng đều trong phân bổ nhân sự.

Thực tiễn cho thấy, cán bộ Công đoàn cơ sở chủ yếu là những người làm việc tại các doanh nghiệp không thuộc biên chế công chức, thường hoạt động kiêm nhiệm. Ðiều này dẫn đến nhiều khó khăn, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi chính họ cũng là người lao động và phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp.

Việc trao quyền chủ động hơn trong công tác cán bộ theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và công đoàn cơ sở, theo từng giai đoạn, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính, giúp Công đoàn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ba là, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn quan tâm đó là kinh phí công đoàn.

Theo đó, Luật Công đoàn năm 1957 và Luật Công đoàn năm 1990 đều quy định về nguồn thu tài chính công đoàn. Ðiều 26 Luật Công đoàn 2012 quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Qua tổng kết, việc thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy, thu kinh phí công đoàn chiếm từ 57%-64% và chi tài chính công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động chiếm gần 75%.

Ðồng tình với quy định trong dự thảo này quy định duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, đại biểu Leo Thị Lịch (Ðoàn Bắc Giang) cho rằng, đây là cơ sở rất quan trọng để tổ chức cho hoạt động của Công đoàn và xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mang tính đặc thù của tổ chức Công đoàn khác với các tổ chức chính trị-xã hội khác.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế thì mức thu này là hợp lý và bảo đảm kế thừa, thực thi luật hiện hành đạt được hiệu quả. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài, bền chặt giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.

Dự kiến, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Ðể Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, thiết thực với phong trào công nhân, công đoàn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; tận dụng tối đa lợi thế đã được pháp luật cho phép, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ; phát huy sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-suc-manh-to-lon-cua-giai-cap-cong-nhan-trong-ky-nguyen-moi-post846715.html
Zalo