Trang bị kiến thức pháp luật cho người lao động
Nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong các cơ quan, đơn vị, DN, đặc biệt là công nhân lao động (CNLĐ) các Khu công nghiệp – chế xuất, năm qua Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức 110 lớp tuyên truyền PBGDPL; tuyên truyền cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới trên 11.000 đoàn viên, CNLĐ các DN trên địa bàn TP. Tổ chức 12 lớp huấn luyện An toàn vệ sinh cho trên 2.000 đoàn viên, CNLĐ…
Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động trong các DN tổ chức tuyên truyền vận động CNVCLĐ thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, tin học, ngoại ngữ… đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác, ổn định đời sống việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức tư vấn pháp luật cho 235 lượt người lao động tại trụ sở; tư vấn pháp luật qua điện thoại, thư điện tử, tư vấn bằng văn bản cho 835 đoàn viên, người lao động và Công đoàn cơ sở, tổ chức tuyên truyền chính sách lao động liên quan đến đời sống việc làm tại 94 đơn vị cho hơn 9400 người tham dự.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024, các cấp Công đoàn tổ chức 10 Hội nghị tuyên truyền Luật Thủ đô 2024; những điểm mới, nội dung cốt lõi của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); những quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Đồng thời, tuyên truyền Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, DN”, qua đó hạn chế việc lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, DN treo hàng nghìn khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan, đơn vị, DN; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và truyền thông trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị, các nhóm zalo, facebook của Công đoàn cơ sở; lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm... Tham gia kiểm tra, kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đặc biệt, triển khai, nhân rộng nhiều mô hình tuyên truyền PBGDPL hiệu quả như: mô hình Tủ sách Công đoàn, Tủ sách pháp luật, đang khai thác, quản lý hiệu quả 354 Tủ sách pháp luật tại khu nhà trọ công nhân, trên 2.365 Tủ sách pháp luật tại các DN...
Năm 2024, thành lập mới 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân với kinh phí đầu tư ban đầu từ 90 triệu đồng/điểm, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở; đẩy mạnh việc mua tài liệu bổ sung cho các tủ sách pháp luật để người lao động dễ dàng khai thác, tiếp cận pháp luật. Đến nay trên địa bàn TP Hà Nội có 67 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân; 244 Góc thư giãn Công đoàn.
Mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là mô hình mới của năm 2024: Tổ chức ra mắt 7 “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” - nơi sinh hoạt chung của cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tại đơn vị, DN. Không gian được trang trí với các hiện vật, tác phẩm, câu chuyện gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế cho đoàn viên Công đoàn tích cực học và làm theo Bác.
Tại đây cũng diễn ra các nội dung sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền PBGDPL, tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội cho đoàn viên, CNVCLĐ. Ngoài ra còn triển khai nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật mang lại hiệu quả như: Mô hình đào tạo hạt nhân văn hóa cơ sở; Mô hình tuyên truyền, giải đáp pháp luật; Mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân…