Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Quán triệt sâu sắc quan điểm 'dân là gốc'; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Việc lấy ý kiến của Nhân dân tham gia, góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 là sự kiện chính trị quan trọng được triển khai rộng khắp. Tại các địa phương, việc lấy ý kiến nhân dân đã và đang thu hút sự tham gia của mọi người dân ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Đây cũng là dịp để mỗi công dân đóng góp công sức của mình đối với sự phát triển của đất nước.

Xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân tham gia vào Đề án sáp nhập tỉnh và đơn vị hành chính cấp xã vào ngày 24/4 vừa qua.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vừa ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, từ 6-5, bắt đầu lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sẽ kéo dài trong khoảng một tháng.
Hiến pháp cũng là một đạo luật cơ bản, là nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước. Trên cơ sở của "đạo luật cơ bản" mà các Bộ luật khác được ban hành hay sửa đổi để điều hành toàn bộ hoạt động của Nhà nước và xã hội. Việc sửa đổi Hiến pháp để nước Việt Nam tiến vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Do yêu cầu phát triển, nên việc sửa đổi Hiến pháp là việc làm thiết thực.
Trong lịch sử thành lập Nhà nước Việt Nam, từ năm 1946 đến nay, đất nước chúng ta đã có 4 lần sửa đổi Hiến pháp vào các năm 1959, 1980, 2001, 2013 và lần sửa đổi này là lần thứ 5. Và lần sửa đổi nào cũng thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao của mọi tầng lớp nhân dân.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 sẽ tập trung vào hai nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhóm thứ hai là các quy định tại Chương 9 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Cũng theo dự kiến lần này sẽ sửa đổi, bổ sung 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trước ngày 30-6 để có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.
Hình thức tổ chức lấy ý kiến là các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện công khai, dân chủ, nghiêm túc, thực chất bằng nhiều hình thức đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.
Với cách tiếp cận mới khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tổ chức lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng VNeID, Bộ Công an đã có những hướng dẫn cụ thể để người dân sử dụng nền tảng "Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.
Nhân dân kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này không chỉ mở đường cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh hợp lý để phát huy thế mạnh từng vùng mà còn mang yếu tố hội nhập khi mà nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng mô hình chính quyền ba cấp.
Nhân dân đánh giá việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với yêu cầu cao về tính dân chủ và thực chất, thể hiện thái độ tích cực và tinh thần xây dựng của toàn xã hội, phát huy cao nhất vai trò làm chủ đất nước của nhân dân ta. Vì vậy, mọi người dân cần thể hiện tính tích cực chính trị, ý thức công dân trong việc nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó đóng góp ý kiến một cách tâm huyết, xây dựng và hiệu quả.
Tổ chức quán triệt đến mọi tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo; tạo mọi điệu kiện cần thiết để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sở, ban, ngành, địa phương mình tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân ở địa phương, đơn vị, địa bàn được tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.
Yên Bái là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc, trình độ dân trí chưa cao nhưng các tầng lớp Nhân dân luôn thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao, điều này đã được kiểm chứng qua các đợt tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp trước đây, đặc biệt tham gia vào việc lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với Đề án sắp xếp, hợp nhất 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai thành tỉnh Lào Cai, số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến đạt 99,34%, số cử tri đồng ý đạt 99,18%; kết quả lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Yên Bái, số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến đạt 99,38%, số cử tri đồng ý 99,86%. Kết quả việc lấy ý kiến nhân dân đã được Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện tán thành và thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 100%. Sự đồng thuận cao của nhân dân phản ánh kết quả trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, đây cũng là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, thống nhất, vì lợi ích chung của địa phương, quốc gia, dân tộc.
Đợt sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 lần này, chắc chắn người dân Yên Bái lại một lần nữa thể hiện trách nhiệm chính trị của bản thân đối với đất nước, đối với dân tộc, không chỉ hăng hái tham gia mà sẽ lại đóng góp những ý kiến rất quan trọng và đúng đắn. Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được tiến hành trong 30 ngày, từ 6/5 đến ngày 5/6. Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được giao tiếp thu, tổng hợp mọi ý kiến tham gia đóng góp của Nhân dân.
Việc xin ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc, một phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, để mọi công dân đều có trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp. Mọi ý kiến đóng góp Nhân dân, các cấp, các ngành sẽ được Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.