Phát huy nguồn tài nguyên kiến trúc, không gian mặt nước của Hà Nội

Ngoại trừ một số ít hồ ở trung tâm được phát huy tốt bởi gắn liền với hạ tầng thiết kế đô thị và các di sản văn hóa, rất nhiều không gian gắn liền với mặt nước của Hà Nội hiện còn đang bị lãng quên, bỏ phí.

Đó là ý kiến của Nhóm nghiên cứu “không gian - mặt nước Hà Nội” - Hội Kiến trúc sư Việt Nam (gồm KTS Trần Minh Tuấn, KTS Nguyễn Tuấn Anh, TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam làm cố vấn).

Vì không mang được lợi ích cho đô thị, các mặt nước này cũng không được chăm sóc, quan tâm, thậm chí bị chiếm dụng, hủy hoại, lấn chiếm vào những mục đích cá nhân cục bộ. Nhiều công viên, cây xanh được quy hoạch với đầy đủ hạ tầng nhưng lại bị bỏ hoang, không trở thành các không gian đô thị nhiều sức sống.

Cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo nhóm nghiên cứu, định hướng xây dựng mạng lưới không gian đô thị gắn liền mặt nước và di sản văn hóa cùng một lúc hướng tới giải quyết các vấn đề gồm: bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên; mang lại lợi ích vật chất, tinh thần cho con người và môi trường; khuyến khích đa dạng sinh học; cải thiện, tăng cường khả năng thích ứng với thiên nhiên của đô thị Hà Nội - bảo tồn và phát huy văn hóa đô thị truyền thống của Thủ đô; gắn kết cộng đồng cư dân đô thị; đồng thời giảm phát thải CO2 và sự lệ thuộc vào năng lượng sử dụng cho các phương tiện giao thông.

Thực tế, không cần phải tìm đâu xa để có một mô hình phát triển bền vững cho Hà Nội. Những hạt nhân đô thị bản địa, đã và đang phát triển cân bằng hữu cơ dựa trên các yếu tố nền tảng văn hóa lịch sử - thiên nhiên cảnh quan - hạ tầng đô thị tại Hà Nội là hình mẫu để hoàn thiện, phát huy, nhân rộng. Theo nhóm nghiên cứu, hồ Hoàn Kiếm là một mô hình không gian độc đáo mang bản sắc của Hà Nội cần được phát huy, nhân rộng ở những quy mô phù hợp.

Ở đây, các di sản văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội được bảo tồn cùng với không gian cây xanh và mặt nước, hạ tầng, dịch vụ thương mại đa dạng. Cùng với hạ tầng đô thị và thiết kế đô thị tương đối chỉn chu, hồ Hoàn Kiếm luôn là điểm đến thu hút của du khách trong và ngoài nước, cũng như cư dân Hà Nội.

Một ví dụ khác chứng minh cho giá trị của văn hóa đô thị truyền thống là quần thể không gian kiến trúc cảnh quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Văn Miếu là di sản văn hóa đặc biệt của Việt Nam được thành lập từ năm 1076. Đây là một quần thể kiến trúc cảnh quan được bảo tồn đặc biệt, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

Điều này cho thấy di sản không chỉ đơn thuần phục vụ một số lượng nhỏ các nhà nghiên cứu, thế hệ lớn tuổi, hoài cổ mà bằng những hình thức kiến trúc, cảnh quan, môi trường rất sinh động, là bài học quý và có sức hấp dẫn với cả cộng đồng.

Phát huy nguồn tài nguyên không gian này cùng với bề dày văn hóa đô thị hàng nghìn năm của Hà Nội sẽ giúp cho Hà Nội trở thành một đô thị phát triển mang bản sắc độc đáo, thận trọng, bền vững để đối diện những thử thách lớn lao trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-nguon-tai-nguyen-kien-truc-khong-gian-mat-nuoc-cua-ha-noi.html
Zalo