Phát huy nguồn lực Phật giáo trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Từ trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mãn duyên đạt đến chứng ngộ giải thoát, Ngài là thái tử trong Vương tộc Shakya, cho đến khi thành đạo, Ngài xây dựng Tăng đoàn hòa hợp, bất bạo động và hòa bình, đồng hành cùng dân tộc thông qua việc khuyến hóa con người hướng thiện, báo đáp Tứ trọng ân. Hơn 2000 năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, các đệ tử của Ngài vẫn luôn duy trì một tư tưởng Phật giáo luôn đồng hành và gắn bó với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử, góp phần hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định, đặc biệt là các giá trị về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa.

Ảnh: tapchinghiencuuphathoc.vn

Ảnh: tapchinghiencuuphathoc.vn

Vai trò của Phật giáo trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn, mỗi cuộc đều làm thay đổi sâu sắc diện mạo xã hội. Đến đầu thế kỷ XXI, chúng ta đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0). Cách mạng 4.0 không chỉ đơn thuần là một cuộc cách mạng công nghệ, mà còn là một cuộc cách mạng xã hội, kinh tế và văn hóa toàn diện. Trong guồng phát triển ấy, “Con người trong Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là sở hữu của riêng mình với những đặc điểm sinh lý, tâm lý đặc thù nữa. Những dấu ấn cá nhân sẽ nhạt nhòa trong sứ mệnh của một công dân toàn cầu, đó cũng là thách thức không dễ vượt qua của Cách mạng công nghiệp 4.0”(1).

Từ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), có thể thấy Đảng hướng tới phát triển toàn diện con người Việt Nam về tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, về đạo đức, nhân cách, lối sống với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người, vì con người(2). Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Thực tế hiện nay, thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho thấy, từ 2016 đến 2018 số lượng thanh thiếu niên phạm tội nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh trật tự khá cao, đa phần là đối tượng có trình độ học vấn thấp, phần lớn đã bỏ học(3). Từ đó có thể thấy, nếu không có sự quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho giới trẻ - là tương lai của đất nước, là đại diện cho thế hệ người Việt Nam thời đại mới thì đất nước, con người Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nhãn tiền về việc mất văn hóa, bản sắc dân tộc, thậm chí gây mất an toàn, an ninh và chủ quyền của quốc gia.

Tinh thần Bồ tát “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” xuất phát từ tâm từ, bi của nhà Phật. Tăng, Ni… Phật tử không chỉ là những người tu hành tìm đến giải thoát, học và hành trì những lời dạy của đức Phật, mà còn phát tâm đại thừa, nhập thế để phụng sự chúng sinh (phụng sự chúng sinh là cúng dàng chư Phật). Trong hệ thống triết lý siêu xuất của Phật giáo, ngũ giới căn bản của các Phật tử là không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không uống rượu. Kinh Sigalovāda (kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt) thuộc Trường Bộ đề cập đến chuẩn mực đạo đức của giới tại gia. Đức Phật nêu 14 điều tội lỗi mà giới tại gia nên tránh: Bốn phiền não (giết hại các quần sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối); Bốn trường hợp gây tổn hại (tham dục, sân hận, sợ hãi, vô minh); Sáu việc làm cho tiền tài mỗi ngày một hao giảm (thích uống chất gây say, tham đắm nữ sắc, ưa cờ bạc, thích ngủ nhiều, thích chơi bời ngoài đường, lười nhác). Các giáo lý này không những là nền tảng căn bản đạo đức của Phật tử, tu sĩ, mà còn là nền tảng đạo đức, lối sống của mọi người trong mọi xã hội, mọi thời đại. Tư tưởng của Phật giáo Việt Nam là hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến nhận thức (về thế giới, về con người), đồng thời còn ảnh hưởng đến đạo đức, văn hóa(4) và được Nhà nước ghi nhận: “Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo đã chứng tỏ là một tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Tinh thần Từ - Bi - Hỷ - Xả của Phật giáo đã giáo dục con người biết sống vị tha, hòa hợp, coi trọng bình đẳng và tiến bộ xã hội. Giáo lý của Phật giáo rất phù hợp với đạo đức xã hội ở Việt Nam”(5).

Từ đó khẳng định, giáo dục Phật giáo luôn là một bộ phận quan trọng của giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho con người Việt Nam nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng. Giáo dục Phật giáo sẽ vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong thời đại hiện nay và cả trước những biến đổi về tình hình kinh tế - xã hội trong tương lai.

2. Các nguồn lực của Phật giáo trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ hiện nay

Ngoài các cơ sở giáo dục quốc dân do Nhà nước và tư nhân lập ra để đào tạo các kiến thức khoa học, kỹ năng nghề nghiệp, còn có các cơ sở, tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là những nơi có nguồn lực đào tạo dồi dào với sự thu hút các sản phẩm khoa học với chất lượng cao. Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 đã thống kê: Hệ thống giáo dục Phật giáo bao gồm 4 học viện Phật giáo Việt Nam gồm: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, có chức năng đào tạo chương trình Đại học Phật giáo (Cử nhân, Cao đẳng Phật học), và Sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học). Cao đẳng Phật học có 9 lớp có chức năng đào tạo chương trình Cao đẳng chuyên khoa và Cao đẳng liên thông. Trung cấp Phật học gồm có 35 trường trung cấp Phật học trong cả nước; Trường Trung cấp Pali Nam Bộ có chức năng đào tạo Trung cấp Phật học; có 50 lớp sơ cấp Phật học.

Bên cạnh việc tu học trong nội bộ các cơ sở tôn giáo (như việc dạy học trong các tự viện, tịnh thất và cơ sở tương tự, các khóa hạ, các buổi kết tập của các sơn môn), hoạt động đào tạo trong các trường học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (như các trung tâm chuyên môn, các viện, phân viện nghiên cứu, các trường trung cấp, cao đẳng, học viện Phật giáo…) hiện nay đã được chuẩn hóa và đáp ứng các quy định của pháp luật về hoạt động giáo dục. Theo Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo được Đảng, Nhà nước quan tâm. Phát huy tinh thần Phật giáo thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh, các Tăng, Ni cả nước tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, ngoài ra còn tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Thông qua các hoạt động tu học và các hoạt động trên mọi lĩnh vực, hệ thống tư tưởng về đạo đức, lối sống của nhà Phật được truyền tải không những ở dạng hiểu biết của mỗi cá nhân mà còn là sự vận dụng sáng tạo trên thực tế mang lại hiệu quả thiết thực.

3. Một số vấn đề cần lưu ý trong phát huy nguồn lực Phật giáo về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ hiện nay

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người đáp ứng nhu cầu xây dựng mô hình xã hội tương lai mà nền giáo dục đó muốn hướng tới. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khác nhau, mỗi thời đại sẽ có một mô hình xã hội tương lai khác nhau, do đó con người mà mỗi nền giáo dục tạo ra sẽ khác nhau”(6). Mà “mục tiêu của giáo dục Phật giáo là hướng con người đến cái thiện, cái chuẩn mực để hoàn thiện nhân cách, để con người sống tử tế với bản thân và xã hội”(7). Điều này cho thấy, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa của con người là hoạt động giáo dục phải tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ, khoa học, đặc biệt thể hiện ở các điểm sau đây:

Thứ nhất, nguồn lực phục vụ hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa của Phật giáo cho thế hệ trẻ phải đáp ứng những quy chuẩn, đòi hỏi chung của hoạt động giáo dục Phật giáo một cách khoa học và phù hợp với đặc thù của giới trẻ trong thời đại mới: Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường 24-10-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ việc giáo dục gồm có: Thể dục, Trí dục, Mỹ dục, Đức dục. Các nội dung này được khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”. Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức năm 2022 đã đi đến kết luận: “Về hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”(8).

Bên cạnh việc gìn giữ và truyền bá những giá trị tinh thần sâu sắc, giáo dục Phật giáo cho giới trẻ còn phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, hướng giới trẻ đến các hệ giá trị con người với tầm nhìn tổng quát, lâu dài và có chiều sâu. Giới trẻ ngày nay, với tư duy cởi mở và tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, cần được giáo dục Phật giáo một cách khoa học, vừa bảo đảm truyền bá đúng đắn giáo lý nhà Phật, vừa phù hợp với tâm lý và lứa tuổi.

Thứ hai, phát huy nguồn lực cho hoạt động giáo dục Phật giáo phải đồng bộ với các giải pháp đáp ứng yêu cầu về an ninh, trật tự: Giáo dục Phật giáo, đặc biệt khi hướng đến thế hệ trẻ, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của dân tộc. Bất kỳ sai lệch nào trong giáo dục Phật giáo, đặc biệt là việc xuyên tạc lịch sử, chống đối chính sách của Đảng, hoặc lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ ba, nguồn lực trong giáo dục Phật giáo phải hoạt động, được huy động phù hợp với đường lối của Đảng, đúng quy định pháp luật của Nhà nước và các quy định, hướng dẫn, điều tiết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Trung ương và địa phương: Lịch sử Phật giáo luôn chứng minh khả năng dung hợp với tất cả các điều kiện chính trị - xã hội của các thời đại và luôn chủ trương dốc lòng phụng sự Tổ quốc với tinh thần “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân”. Điều này cũng thể hiện rõ trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 về tôn chỉ và phương châm hoạt động. Cho nên, hoạt động giáo dục Phật giáo từ bất kỳ nguồn lực nào từ Phật giáo phải luôn tuân thủ nghiêm chỉnh đường lối của Đảng và quy định của pháp luật, không tách rời vai trò, vị trí là một trong những trung tâm đoàn kết dân tộc, truyền tải các chính sách của Nhà nước vào trong đời sống của nhân dân; bảo đảm nội dung giáo dục Phật giáo dành cho thế hệ trẻ cần được truyền tải chính xác, đồng thời phù hợp với định hướng giáo dục của Đảng, nhằm xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

Tóm lại, việc vận dụng và tận dụng tối đa, sáng tạo, thiết thực các nguồn lực từ Phật giáo Việt Nam vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, hướng tới hùng cường trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam là đòi hỏi cấp thiết, là quy luật tất yếu trong sự phát triển của Phật giáo nói riêng. Các nguồn lực tham gia vào hoạt động giáo dục Phật giáo cho thế hệ trẻ về đạo đức, lối sống ngày càng đa dạng, đòi hỏi yêu cầu về định hướng và chiến lược phát triển phù hợp hơn từ Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
-----
(1) Vũ Duy Thông: Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức toàn cầu, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25-9-2017. (2) Cương lĩnh 2011, Những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện, NXB CTQG Sự thật, H.2021, tr.21. (3) Đặng Văn Cường: Tội phạm là người chưa thành niên và các giải pháp hạn chế, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, ngày 28-9-2022. (4) Tài liệu: Một số giá trị cơ bản của tôn giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, H.2022, tr.31-46; tr.79-82; tr.105-112. (5) Ban Tôn giáo Chính Phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, NXB Tôn giáo, H.2022, tr.13. (6), (7) Nguyễn Thị Toan: Triết lý giáo dục Phật giáo và ý nghĩa đối với công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay, NXB Tôn giáo, H.2020, tr.286. (8) Nguyễn Trọng Nghĩa: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, Tạp chí điện tử Tuyên giáo, ngày 1-12-2022.

Hòa thượng, TS. Thích Thanh Điện / Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phat-huy-nguon-luc-phat-giao-trong-giao-duc-dao-duc-loi-song-van-hoa-cho-the-he-tre-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-22469
Zalo