Người thầy với niềm đam mê vẽ tranh bằng phấn màu trên bảng
Chỉ với viên phấn màu và chiếc bảng đen đơn giản, thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (sinh năm 1983), hiện giảng dạy tại Trường Hermann Gmeiner (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã biến những vật dụng phục vụ giảng dạy trở thành những tranh vẽ đầy sống động khiến nhiều người và cộng đồng mạng phải thán phục, xuýt xoa.
Dành tình cảm yêu thương cho học sinh
Lớn lên ở gần làng Trẻ em SOS nên từ những ngày còn nhỏ thầy Hạnh đã đồng cảm với hoàn cảnh của các em. Sau này được dạy các em, gắn bó với các em suốt những năm phổ thông, thầy Hạnh càng thương hơn những học trò nơi ngôi trường mình đang công tác. Có lẽ vì thế, dù đã có những cơ hội khác nhưng thầy vẫn ở lại gắn bó với ngôi trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh.
Nói về công việc của mình, thầy Hạnh kể rằng, mình cũng như nhiều giáo viên khác, cố gắng làm thật tốt công tác chuyên môn, phấn đấu để trở thành một giáo viên tốt, gương mẫu. Nhưng bên cạnh đó, ở ngôi trường này, thầy và nhiều đồng nghiệp khác dành thêm thời gian hơn cho những học sinh ở làng trẻ em SOS, những em từ nhỏ đã phải chịu cảnh mồ côi, mất bố, mất mẹ.
"Tôi được dạy những em học sinh có những hoàn cảnh đặc biệt nên tình cảm dành cho các em đong đầy. Không chỉ là một người thầy mà còn có tình thương như cha mẹ vì có những học sinh bị bỏ rơi từ khi đỏ hỏn. Tôi muốn dạy cho các em những kỹ năng vì các em có nhiều thiệt thòi", thầy Hạnh chia sẻ.
Khi nhìn thấy học sinh ra trường, trưởng thành và có những bước đi vững chắc trên con đường mà các em chọn là một điều tự hào của thầy giáo như anh. Anh cũng rất vui khi được Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp tạo điều kiện để phát huy hết khả năng trong chuyên môn của mình.
"Tôi có rất nhiều kỷ niệm về nhà trường, về học sinh. Nhưng câu chuyện tôi nhớ nhất là có lần tôi đang ngồi ăn sáng, thấy em Lê Văn Phúc (học sinh mồ côi) đi đổ rác. Thấy em chưa ăn sáng, tôi mua cho gói xôi, cốc sữa chua đánh đá, em ngồi ăn cùng tôi. Bẵng đi một thời gian, em ấy ra trường và gặp lại tôi trong bộ quân phục bộ đội. Dù tôi không nhớ nhưng em ấy đã nhắc lại kỷ niệm đó và nói: Em chưa bao giờ ăn một gói xôi mang tình người như thế. Tôi vừa vui, vừa mừng khi gặp lại và thấy em đã thành công. Bên cạnh đó còn có cậu học trò người Mông là Và Bá Hùng mà nhiều năm nay tôi xem như người em, người thân của mình và luôn đồng hành với em từ học tập, công việc, gia đình. Hiện nay, Hùng đã là đầu bếp và em đã có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân", thầy bộc bạch.
Lan tỏa niềm đam mê
Đối với cộng đồng mạng và nhóm “Góc vẽ bảng”, rất nhiều tác phẩm của thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh đã trở nên nổi tiếng. “Tôi không phải là họa sỹ. Tôi cũng đã có những lời mời của những người làm chuyên môn tham gia triển lãm nhưng tôi nói rằng tôi đâu có tác phẩm để trưng bày. Hầu hết tác phẩm của tôi “sống” được chủ yếu trên mạng xã hội” - thầy Hạnh mở đầu câu chuyện về công việc của mình.
Vốn xuất thân là sinh viên ngành Hội họa của Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An, thầy Hạnh chia sẻ, niềm đam mê vẽ bảng của thầy mới có cách đây ít năm, xuất phát từ những cuộc họp mặt và hội lớp tham dự. Bảng và phấn màu là những thứ quen thuộc với người giáo viên. Thầy tự mày mò, nghiên cứu để sáng tạo ra những nét vẽ sống động trên bảng. Theo đó, thời gian vẽ mỗi tác phẩm khác nhau, lúc nhanh chỉ 1 giờ và cũng có những tác phẩm phải đến 2 ngày mới hoàn thành.
Sống được với nghề đi vẽ thuê nhưng chỉ gần 1 năm sau khi trình làng những bức tranh trên bảng, thầy đã không chọn kiếm tiền từ công việc này. Vì thế, từ mỗi ngày có thể vẽ 15, 16 bức, thầy giảm xuống chỉ nhận tối đa 3 bức và sau đó là vẽ miễn phí.
“Khi đã gắn bó với vẽ bảng tôi nhận ra được đam mê và khám phá bản thân ở một khía cạnh khác. Thế nên tôi chuyển từ công việc của một “người thợ” sang công việc của “người sáng tác”, chuyển từ nghệ thuật trang trí sang tác phẩm nghệ thuật để vẽ được những bức tranh có cấu tứ, có câu chuyện và truyền tải được tình cảm của mình”, thầy Hạnh tâm sự.
Chọn nghệ thuật vẽ tranh trên bảng, thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh nói rằng, đây là điều rất khó khăn. Cá nhân thầy đã từng vẽ sơn dầu, vẽ màu nước, vẽ màu bột nhưng khi vẽ bằng phấn trên tấm bảng xanh thực sự không dễ dàng. Thầy Hạnh phải bắt đầu như một đứa trẻ, vừa học, vừa mò mẫm bởi ở Việt Nam chưa có ai thể hiện, cũng không có ai dạy mình. Ngay cả trên thế giới, một số nước châu Á có sử dụng nhưng cũng chỉ dừng lại vẽ trang trí trên bảng. Cái khó của vẽ bằng phấn đó là nguyên liệu này không có sự lan màu. Vì thế, từ cách cầm phấn, sử dụng các nét vẽ đều phải có kỹ thuật riêng, đòi hỏi sự sáng tạo của người thực hiện để truyền tải được màu sắc.
Để có được những bức tranh được cộng đồng mạng và giới yêu hội họa yêu thích, thầy Hạnh dường như đã phải lồng ghép tất cả các kiến thức và cả kỹ năng của mình vào các bức tranh. Xem tranh của thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh còn cảm nhận được tình cảm mà thầy đã gửi gắm. Ví như bức tranh về “Mẹ của tôi” được thầy Hạnh vẽ chỉ trong một đêm. Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Hạnh vẽ hình ảnh “Cha chở con” trên chiếc xe đạp cũ để tôn vinh và tri ân cho những ai đang làm cha, làm mẹ, những người được coi là người thầy đầu tiên và suốt đời.
Bên cạnh đó, thầy đã có bức tranh vẽ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “một gương sáng nhân cách, một lối sống giảng dị”, vẽ về những đồng nghiệp công tác ở vùng sâu, vùng xa, ngày đêm miệt mài đưa “cái chữ về bản”...
Với biệt tài vẽ các bức tranh sống động và “như thật” nên dù chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc rất ngắn, những tác phẩm của thầy Hạnh đã lan tỏa trên cộng đồng mạng và được mọi người đón nhận. Không dừng lại ở đó, thầy Nguyễn Trí Hạnh còn dành thời gian cho dự án cá nhân mang tên "Lan tỏa nghệ thuật vẽ bảng", với mục tiêu mang loại hình nghệ thuật độc đáo này đến khắp các tỉnh, thành phố và trực tiếp đứng lớp tổ chức các buổi chia sẻ miễn phí dành cho giáo viên nhiều tỉnh thành trên cả nước. Là người thầy, người làm văn hóa, nghệ thuật thầy cũng đang ấp ủ một kế hoạch vẽ lại toàn bộ các di tích lịch sử nổi tiếng để làm cầu nối truyền tải các giá trị văn hóa đến các học sinh, đến cộng đồng.
Miệt mài, đam mê với nghệ thuật vẽ tranh trên bảng và chọn cho mình một lối đi riêng "độc bản” nhưng ít ai nghĩ rằng, nơi sáng tác của thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh chỉ là một góc nhỏ trong phòng của nhà trường. Trên tấm bảng giản dị đó, có rất nhiều bức tranh đã hoàn thành và rồi lại được xóa đi, có cả những bức tranh còn dang dở.
“Khi xóa đi tôi không buồn bởi nếu mình chỉ dừng lại một chỗ thì tôi sẽ không có những tác phẩm mới. Trong khi đó, những bức tranh chưa hoàn thành, chủ yếu là vẽ những người học trò của mình như Phúc, như Hùng là “bức tranh cuộc đời”. Khoảng trống còn lại, một ngày nào đó, mong các em tiếp tục trưởng thành và thầy sẽ vẽ học sinh bằng những gam màu rực rỡ, tươi sáng và đầy cả tin yêu, hy vọng”, thầy Hạnh bộc bạch.
Nói về đồng nghiệp của mình, cô Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh cho biết: “Với tình yêu trẻ, yêu nghề và năng khiếu mỹ thuật, thầy vẫn ấp ủ tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật để truyền tải nhiều thông điệp của thầy về con người và cuộc sống. Thầy Hạnh là giáo viên có nhiều tâm huyết và mong muốn cống hiến sức mình, tạo cho học sinh niềm yêu thích đối với môn mỹ thuật, phát triển kỹ năng toàn diện”.