Phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc tới các thế hệ thanh niên kiều bào

Tối 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2024 với chủ đề 'Đất nước trọn niềm vui', với sự tham gia của 120 thanh niên, sinh viên kiều bào tiêu biểu đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các đại biểu thanh niên tham dự Lễ khai mạc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các đại biểu thanh niên tham dự Lễ khai mạc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Xúc động, hạnh phúc và tự hào là những cảm xúc chung của các đại biểu kiều bào chia sẻ khi được trở về quê hương, đất nước và tham dự chương trình.

Mong muốn lan tỏa văn hóa Việt

Bày tỏ niềm tự hào khi được tham dự Trại hè Việt Nam 2024, em Nguyễn Khuê An (16 tuổi, kiều bào Anh) tin tưởng, không chỉ riêng em mà tất cả 120 bạn kiều bào cũng chắc chắn sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau và biến đây thành một mùa hè - một kỷ niệm không thể quên.

Chia sẻ những quan tâm của mình đến ngôn ngữ và văn hóa, Nguyễn Khuê An cho biết, em đã tham gia nhiều chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa với nhiều nước, học hỏi các ngôn ngữ mới. "Tuy nhiên, không có gì tuyệt vời hơn việc được kết nối với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới nhưng cùng chung một cội nguồn Việt Nam thân thương mà cha mẹ và ông bà luôn nhắc đến; được trực tiếp khám phá nền văn hóa độc đáo và phong phú của đất nước mình", Khuê An nói.

Với Khuê An, đây cũng là dịp để thăm quê hương tổ tiên, rèn luyện ngôn ngữ tiếng Việt, củng cố sự hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, em sẽ có thêm cơ hội kết bạn mới, hiểu thêm về cảnh quan địa lý đa dạng, thưởng thức nền ẩm thực phong phú của từng thành phố. "Em chắc chắn các bạn em sẽ ghen tị với những trải nghiệm tuyệt vời mà em sẽ có được sau chương trình này. Em sẽ tích cực lan tỏa văn hóa Việt Nam đến cộng đồng nơi em sinh sống", Khuê An chia sẻ.

Kiều bào Anh cũng mong muốn, sau chương trình Trại hè Việt Nam, các thanh niên kiều bào có thể tạo một "Mạng lưới Trại hè Việt Nam toàn cầu" để cùng nhau thực hiện các hoạt động cộng đồng hướng về Việt Nam, giúp đỡ cộng đồng người Việt trên thế giới, nhất là thế hệ trẻ; có nhiều hoạt động trao đổi văn hóa và hỗ trợ tổ chức trại hè cho các năm tiếp theo.

Chung cảm xúc với Khuê An, kiều bào Romania - em Trần Yến Vy cho biết, đây là lần thứ 5 em trở về Việt Nam. Mỗi lần trở về Tổ quốc, Vy đều cảm nhận được sự thay đổi của đất nước, song trong mắt em, quê hương Việt Nam vẫn giữ được những nét đẹp hiền hòa, thân thuộc. "Đất nước mình đẹp quá!", Vy tự hào.

Yến Vy cho biết, gia đình em luôn gìn giữ và duy trì những nét đẹp văn hóa Việt Nam trong những ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Cả gia đình cùng nhau đón giao thừa, đi thăm họ hàng, quây quần bên mâm cơm ngày Tết... Qua đó, anh chị em của Yến Vy có thể cảm nhận rõ hơn những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Kiều bào Romania mong muốn, qua việc tham dự Trại hè Việt Nam, Vy có cơ hội được giao lưu, làm quen với nhiều bạn bè kiều bào và trong nước, học tiếng Việt, ăn các món ăn ngon và tham quan các danh lam thắng cảnh, văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam. "Đây cũng là dịp để em tìm hiểu thực tế về lịch sử hào hùng của dân tộc và bày tỏ lòng biết ơn những Anh hùng liệt sĩ, thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để có đất nước ngày hôm nay", Yến Vy xúc động nói.

Khơi gợi sự tự hào về lịch sử và truyền thống đất nước

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông, Trại hè Việt Nam là chương trình thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về nước tìm hiểu truyền thống, văn hóa lịch sử của dân tộc và giao lưu tăng cường đoàn kết. Đến nay đã có khoảng gần 3.000 đại biểu tham dự Trại hè Việt Nam qua các năm tổ chức.

"Mỗi năm, Ban Tổ chức đều nỗ lực tổ chức những hoạt động mới để chương trình ngày một hấp dẫn hơn", ông Nguyễn Mạnh Đông nói.

Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Lễ Khai mạc chương trình được tổ chức tại chân Cột cờ Hà Nội, thuộc khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là một địa điểm có giá trị lịch sử to lớn. Lá cờ là biểu tượng thiêng liêng, biểu trưng cho ý chí độc lập, tự chủ quật cường của dân tộc Việt Nam; qua đó phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc tới thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài.

Trại hè Việt Nam 2024 diễn ra tại nhiều địa phương trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đó là Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình có các hoạt động phong phú, ý nghĩa như tri ân tổ tiên, các Anh hùng liệt sĩ; gặp gỡ, giao lưu giữa thanh niên kiều bào với nhau và với thanh niên trong nước; tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc; tham quan các danh lam thắng cảnh, văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam...

Trong khuôn khổ các hoạt động của Trại hè Việt Nam năm 2024, thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được tăng cường. Các em sẽ được tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng), nghe nói chuyện về biển đảo Việt Nam và giao lưu với học viên của Học viện Hải Quân (Khánh Hòa)...

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Đông, qua 20 năm tổ chức, Trại hè Việt Nam đã truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thanh thiếu niên kiều bào. Nhiều em trong số đó đã trưởng thành, tham gia tích cực và trở thành hạt nhân trong công tác cộng đồng.

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi khi tổ chức chương trình là khơi gợi sự tự hào về lịch sử và truyền thống đất nước, đồng thời mong muốn các kiều bào trẻ - một thế hệ trẻ đang phát triển lớn mạnh ở nước ngoài, có điều kiện kết nối với nhau, cùng thanh niên trong nước phấn đấu vì một nước Việt Nam hùng cường, có vị thế và vai trò ở khu vực và trên thế giới", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-huy-long-yeu-nuoc-tinh-than-tu-hao-dan-toc-toi-cac-the-he-thanh-nien-kieu-bao-20240716213404596.htm
Zalo