Phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng trong giảm nghèo
Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi góp phần giúp 1.975 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 7.670 lao động.
Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phục hồi, phát triển kinh tế...
Ông Dương Văn Hoàng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang nhận xét, chính sách tín dụng là giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng giải ngân của tỉnh đạt trên 4.610 tỷ đồng, tăng trên 425 tỷ đồng so với đầu năm 2024; tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng trên 4.591 tỷ đồng với 111.064 hộ vay, đạt 99,83% kế hoạch dư nợ năm 2024. Mức cho vay hộ nghèo từ 37,20 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo từ 38,51 triệu đồng/hộ trong năm 2023 tăng tương ứng lên 40,56 triệu đồng/hộ và 42,12 triệu đồng/hộ năm 2024.
Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi góp phần giúp 1.975 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 7.670 lao động; tuyên truyền và giúp 11.221 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập. Đồng thời, xây dựng 15.366 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn; giúp 76 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hỗ trợ 29 gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để mua, xây dựng mới, sửa chữa nhà.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như: Đan lát ở xã Thân Cửu Nghĩa; dệt chiếu ở xã Long Định; cải tạo vườn cây ăn trái ở các xã Vĩnh Kim, Bàn Long, Kim Sơn (huyện Châu Thành); nuôi gà, chim cút, cá ở hai xã Lương Hòa Lạc, Phú Kiết (huyện Chợ Gạo)… Nhiều gia đình đã thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ chính sách tín dụng. Điển hình là hộ bà Phan Thị Mai (ấp Mỹ Phú, xã Phước Thanh, huyện Châu Thành), trước đây là hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng, bà đã trồng khóm và thuê đất trồng sen, nhờ đó, gia đình hiện có thu nhập ổn định, đã thoát nghèo. Hay hộ ông Châu Văn Sáu (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) vay chương trình hộ mới thoát nghèo 100 triệu đồng để nuôi bò và dê sinh sản. Hiện gia đình ông đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững…
Đến nay, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 0,79%; hộ cận nghèo còn 1,49%; đồng thời, góp phần hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, đặc biệt chú trọng tại các địa bàn hoạt động yếu, chất lượng tín dụng thấp; gắn thực hiện tín dụng chính sách với công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương.
Các đơn vị thuộc nhóm tổ chức chính trị - xã hội có nhận ủy thác cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả công việc của ngân hàng chính sách xã hội ủy thác; tăng cường kiểm tra, giám sát ở cơ sở, nhất là việc bình xét đề nghị cho vay cũng như đôn đốc thu hồi nợ tín dụng chính sách theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng công tác ủy thác, ủy nhiệm.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc và xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt quan tâm gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương trong từng giai đoạn.