Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số thành nguồn lực phát triển kinh tế du lịch
Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số không chỉ làm giàu bản sắc tộc người, mà còn góp phần tạo biến các giá trị văn hóa thành nguồn lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn có chủ trương “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, “Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”.
Từ những chủ trương đó, thời gian qua, có nhiều chính sách đã được ban hành, nhằm đẩy mạnh công tác phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tập trung vào các chính sách cơ bản như: bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết; bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; tạo ra các sản phẩm đặc thù ở mỗi dân tộc, mỗi vùng miền.
Thực hiện những chủ trương, chính sách này, nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số một cách mạnh mẽ. Đồng thời xác định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lào Cai là một trong những địa phương đã gặt hái được nhiều thành quả trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, từ đó ứng dụng vào phát triển kinh tế du lịch rất hiệu quả.
Cụ thể, từ những năm 2000, xác định tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Lào Cai khi đó đã thông qua đề án nghiên cứu sưu tầm các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số.
Cho đến nay, sau hơn 2 thập kỷ miệt mài làm với công cuộc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
Theo đó, tính đến tháng 5/2024, tỉnh Lào Cai có 41 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các di sản văn hóa của Lào Cai đều được ứng dụng vào khai thác phát triển du lịch, vừa góp phần quảng bá nâng tầm di sản của địa phương, đồng thời tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân tộc thiểu số, khi họ tham gia các đội văn hóa văn nghệ tại địa phương để trình diện chính những tiết mục truyền thống của dân tộc mình.
Yên Bái cũng là một trong những địa phương luôn chú trọng đến công tác phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, từ đó ứng dụng vào phát triển kinh tế du lịch.
Với phương châm mỗi dân tộc có những giá trị đặc sắc mang đậm nét riêng biệt, từ đó tạo thành những thế mạnh riêng của tộc người mình.
Với mục tiêu phát triển du lịch xanh, bản sắc hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống, cụ thể: Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2030”.
Tính đến tháng 12/2023 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh trình 273 hồ sơ, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đề nghị thụ hưởng chính sách với tổng kinh phí 5.983.590.000đ. Các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được ban hành kịp thời, tạo cơ chế khuyến khích cho người dân và cộng đồng trong tỉnh phát triển du lịch theo hướng bảo tồn, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi Hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Yên Bái, cho biết: “Với đặc thù tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất họ hình thành nên những phong tục tập quán, những bản sắc văn hóa phù hợp với các điều kiện môi trường cư trú. Từ đó tạo ra những nét bản sắc riêng biệt, có sự khác nhau giữa các tộc người, các vùng miền cư trú. Khi ấy, vai trò của các cơ quan chức năng, chuyên môn là phải nghiên cứu loại bỏ những điều lạc hậu, không phù hợp, gìn giữ các giá trị văn hóa độc đáo của mỗi tộc người. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã gìn giữ và phát huy được nhiều giá trị văn hóa độc đáo, từ đó ứng dụng vào phát triển du lịch, tạo thành những sản phẩm độc đáo, riêng biệt của mỗi tộc người, được khách du lịch đánh giá rất cao”.