Phát huy, bảo tồn di sản văn hóa trong trường học

Xác định việc tích hợp di sản văn hóa vào quá trình dạy học đã trở thành một xu hướng tất yếu nhằm giúp các em học sinh bồi đắp thêm kiến thức và lòng tự hào về văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của học sinh, nhiều năm qua, Trường Trung học cơ sở và trung học phổ thông (THCS&THPT) Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động giáo dục, sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) trong nhà trường.

Học sinh Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh tham gia chơi ném còn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ánh

Học sinh Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh tham gia chơi ném còn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ánh

So với hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trong cả nước thì Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh có quy mô nhỏ hơn. Năm học 2023-2024, trường có 6 lớp với 166 học sinh (khối 7, 8, 11, 12 có 1 lớp và khối lớp 9 có 2 lớp). Học sinh của trường phần lớn là con em đồng bào các dân tộc Chứt, Lào, Mường, Thái ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Đông nhất là ở 4 cụm thôn, bản thuộc huyện Hương Khê, gồm: bản Lòi Sim, xã Hương Trạch, bản Phú Lâm, xã Phú Gia, bản Rào Tre, xã Hương Liên và bản Giàng, xã Hương Vĩnh.

Trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, Nhà trường đã linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn văn hóa dân tộc một cách phù hợp. Các hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa trong nhà trường được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phát huy hiệu quả cao. Thầy giáo Đặng Bá Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết: “Nhiều năm qua, ngoài thực hiện nhiệm vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh luôn quan tâm, chú trọng công tác giáo dục di sản văn hóa trong học đường. Xác định đây là hồn cốt của mỗi dân tộc nên các em học sinh phải được bồi dưỡng để có tình yêu, có ý thức, trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ, chắt lọc và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Cụ thể, Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và các đồn Biên phòng trên địa bàn trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục kỹ năng sống và định hướng việc làm cho học sinh DTTS, công tác an ninh khu vực vùng biên... Trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm bản sắc văn hóa DTTS gắn với các chủ đề hằng năm; tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa dân tộc vào các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương...; lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa dân tộc trong sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt lớp cuối tuần hoặc trong các ngày lễ truyền thống; Tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học để đưa ra giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS. Tiêu biểu như đề tài: “Một số giải pháp giúp học sinh DTTS ở trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” đạt giải Tư cấp tỉnh.

Học sinh Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh giới thiệu về nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Ngọc Ánh

Học sinh Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh giới thiệu về nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Ngọc Ánh

Hằng năm, vào Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), nhà trường đều tổ chức hoạt động ngoại khóa về "Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc Việt Nam" với các nội dung, hình thức sinh động, phong phú, hấp dẫn. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức như: Hát múa Tết Lấp lỗ của dân tộc Chứt; Sắc điệu Lăm Vong- Nét đẹp văn của của dân tộc Lào; múa sạp... Tại đây, các em học sinh mô phỏng các nhạc cụ dân tộc, nông cụ lao động hay trình diễn trang phục truyền thống để bồi đắp thêm kiến thức về di sản văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian: đẩy gậy, chơi ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, ném còn qua vòng, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt... cũng được tổ chức sôi nổi.

Một hoạt động có ý nghĩa về bảo tồn văn hóa DTTS là nhà trường đã triển khai, hướng dẫn các em học sinh dân tộc Mường, dân tộc Lào thành lập Câu lạc bộ “Em yêu tiếng Mường”, “Em yêu tiếng Lào Thưng” để bảo tồn, duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ. Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các em cùng học, cùng luyện nói tiếng nói của dân tộc mình qua các từ thông dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Em Đặng Lê Diệu Châu, dân tộc Lào, học sinh lớp 12 chia sẻ: “Được tham gia Câu lạc bộ “Em yêu tiếng Lào Thưng” để gìn giữ và phát huy ngôn ngữ của cha ông, em cảm thấy rất vui và tự hào về văn hóa của dân tộc mình”.

Còn ông Phan Thanh Tuyền, dân tộc Mường, Trưởng bản Lòi Sim, xã Hương Trạch cho biết: “Nhiều năm qua, mỗi khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa đều mời tôi đến dự. Tôi thấy các cháu học sinh rất hào hứng tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, biểu diễn văn hóa văn nghệ, trình diễn thời trang... Đặc biệt, từ khi nhà trường thành lập câu lạc bộ nói tiếng Mường, tôi cũng hỗ trợ thêm tài liệu sử dụng bản phiên âm Việt - Mường cho các cháu tham khảo. Từ câu lạc bộ mà nhiều cháu học sinh đã nói được tiếng Mường tốt hơn”.

Thầy Đặng Bá Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, nhờ thực hiện có hiệu quả hoạt động giáo dục, sưu tầm di sản văn hóa các DTTS trong nhà trường đã góp phần quan trọng giúp các em học sinh DTTS phát triển toàn diện. Nhiều năm qua, đã có nhiều thế hệ học sinh của Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó, phấn khởi nhất là đã có học sinh người dân tộc Chứt đỗ vào trường đại học.

Lê Hữu Tân- Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-bao-ton-di-san-van-hoa-trong-truong-hoc-post480950.html
Zalo