Phát hiện yếu tố chính kiến bạn mất ngủ trong mọi trường hợp
Phát hiện mới của nhóm nghiên cứu từ Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng mới trong việc điều trị chứng mất ngủ.
Theo SciTech Daily, GS Anita Lüthi từ Khoa sinh học và y học của Đại học Lausanne cùng các cộng sự đã xác định được vai trò của vùng não mang tên "locus coeruleus" trong các trường hợp mất ngủ.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Neuroscience, vùng "locus coeruleus" nằm ở khu vực thân não và là một bộ điều chỉnh giấc ngủ và các rối loạn giấc ngủ.
Vùng này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi giữa giấc ngủ NREM và REM trong khi vẫn duy trì nhận thức tinh tế, vô thức về môi trường bên ngoài.
Giấc ngủ NREM là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh, chiếm phần lớn thời gian ngủ của chúng ta, bao gồm các mức độ từ nông đến sâu; còn giấc ngủ REM là giai đoạn chuyển động mắt nhanh, cực kỳ cần thiết để não bộ hồi phục và gắn liền với những giấc mơ.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng tình trạng căng thẳng dưới mọi hình thức sẽ làm rối loạn hoạt động của vùng locus coeruleus, dẫn đến chất lượng giấc ngủ giảm sút.
Cơ chế nói trên được phát hiện thông qua một loạt thí nghiệm trên chuột, trong đó chỉ ra rõ ràng locus coeruleus bị tăng cường hoạt động quá mức nếu con chuột đó có trải nghiệm căng thẳng khi còn thức.
Điều này dẫn đến sự chậm khởi phát giấc ngủ REM và phân mảnh giấc ngủ NREM bằng cách gây ra quá nhiều lần thức giấc.
Điều này giải thích cho việc những được đang bị stress cảm thấy khó ngủ sâu, dễ tỉnh bất thường trong đêm và sau đó cứ trằn trọc mãi.
Ngoài ra, vì chịu trách nhiệm "người gác cổng" đối với chu kỳ giấc ngủ, nên vùng não này có thể đứng sau mọi kiểu mất ngủ, rối loạn giấc ngủ mà mọi người gặp phải.
Theo GS Lüthi, phát hiện này mở đường cho các nghiên cứu lâm sàng nhằm tìm ra phương pháp điều trị chứng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người.