Phát hiện vi phạm kinh tế hơn 92.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã triển khai thanh tra hành chính, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 92.783,1 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 11/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Thanh tra. Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 3.910 cuộc thanh tra hành chính và 58.025 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

PHÁT HIỆN VI PHẠM KINH TẾ , ĐẤT ĐAI, KIẾN NGHỊ THU HỒI HƠN 59 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 92.783,1 tỷ đồng, 292,5 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 59.431,6 tỷ đồng và 24,9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 33.351,5 tỷ đồng, 252,5 ha đất.

Đồng thời ban hành 49.982 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.089 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 856 tập thể và 3.862 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 94 vụ, 73 đối tượng.

Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quy chế tiếp công dân trực tuyến và mô hình thí điểm tiếp công dân trực tuyến.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, 6 tháng đầu năm, có 15 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 22 người; 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mạnh Hùng.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mạnh Hùng.

Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 19 vụ việc, 29 người, trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 8 vụ, 10 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 7 vụ, 15 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 4 vụ, 4 người liên quan đến tham nhũng.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.

“Qua thanh tra đã chấn chỉnh khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và kiến nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Đặc biệt, toàn ngành đã triển khai thực hiện thanh tra 2 chuyên đề diện rộng về công vụ và quy hoạch xây dựng trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.

Riêng Thanh tra Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã tổ chức một số cuộc thanh tra có tính chất phức tạp, quy mô lớn, được dư luận quan tâm như: Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra chuyên đề diện rộng về công vụ và quy hoạch xây dựng; thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình trọng điểm quốc gia…

Đáng lưu ý, công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực; số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra, số kết luận thanh tra đã hoàn thành toàn bộ các nội dung phải thực hiện tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị đã thông qua Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” và tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về nội dung này.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai đồng bộ. Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và xây dựng ngành Thanh tra, Thanh tra Chính phủ chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao ý thức, trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra….

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM CÁC VỤ VIỆC PHỨC TẠP, KÉO DÀI

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2024, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, chủ động nắm bắt tình hình khiếu kiện của công dân, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở.

Tiếp tục quan tâm rà soát, giải quyết đứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất nông, lâm trường….

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đến năm 2030 và những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phat-hien-vi-pham-kinh-te-hon-92-000-ty-dong-trong-6-thang-dau-nam.htm
Zalo