Phát hiện sớm và giảm thiểu nguy cơ mắc loạn thị ở trẻ

Tật loạn thị có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả trẻ em và người trưởng thành. Đối với trẻ em, loạn thị nếu không được phát hiện sớm và có các biện pháp can thiệp kịp thời có thể biến chứng sang nhược thị, lâu dần sẽ gây mất thị lực vĩnh viễn. Vì thế, ba mẹ cần chú ý, quan sát con trong các hoạt động sinh hoạt ngày thường cũng như trang bị đầy đủ kiến thức để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường ở mắt trẻ.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Quảng Trị kiểm tra thị lực cho người bệnh -Ảnh: HN

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Quảng Trị kiểm tra thị lực cho người bệnh -Ảnh: HN

Năm học lớp 2, trong một lần tình cờ cùng chị gái đi khám mắt, cháu Dạ Thi, ở TP. Đông Hà, được bác sĩ phát hiện mắt bị loạn thị 8 độ. Trước đó, do ba mẹ không phát hiện các dấu hiệu bất thường ở mắt con, không cho thăm khám định kỳ nên khi phát hiện, mắt cháu đã ở mức độ khá nặng. Bác sĩ sau đó đã chỉ định cho cháu đo nhược thị, kê thuốc nhỏ mắt, cắt kính phù hợp với độ loạn thị và thăm khám bác sĩ định kỳ. Vì thế, tình trạng mắt của cháu được cải thiện, tránh nguy cơ nhược thị nặng.

Về sau tìm hiểu kỹ, gia đình mới biết trước đó mắt cháu có dấu hiệu nhìn hình ảnh bị mờ nhòe, thỉnh thoảng nhức mỏi... Tuy nhiên, do còn nhỏ, lại mãi chơi nên cháu không nói cho ba mẹ biết về những dấu hiệu trên nên gia đình không phát hiện để điều trị từ đầu. Nhiều trẻ khác cũng gặp tình trạng tương tự, bỏ qua các dấu hiệu khác thường về mắt khiến tật loạn thị không được phát hiện sớm. Loạn thị có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của trẻ. Tuy nhiên, đa phần các bé còn nhỏ chưa thể tự nhận định được tầm nhìn suy giảm, mức độ nghiêm trọng ở mắt. Do đó ba mẹ cần quan tâm, theo dõi con sát sao để sớm phát hiện và đưa con đi khám mắt kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Nghiên cứu thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc các tật khúc xạ đang tăng nhanh ở Việt Nam. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Quảng Trị, có nhiều nguyên nhân dẫn đến loạn thị. Trẻ sinh ra có người thân trong gia đình mắc loạn thị, đặc biệt là cha mẹ thì nguy cơ cao sẽ bị di truyền tật khúc xạ này, hình thành loạn thị bẩm sinh. Nếu trẻ đang gặp các vấn đề: tật khúc xạ khác ở mắt; có tiền sử bị chấn thương mắt để lại sẹo giác mạc; từng trải qua các cuộc phẫu thuật bệnh lý khác ở mắt... sẽ dễ gặp phải biến chứng hoặc gia tăng nguy cơ mắc loạn thị. Về phân loại mức độ loạn thị có loạn thị giác mạc (giác mạc có hình dạng không đều); loạn thị thấu kính (thủy tinh thể trong mắt người bệnh có hình dạng không đều, hoặc vị trí thủy tinh thể nhân tạo không cân xứng). Đôi khi, một số người bị loạn thị giác mạc và cả loạn thị thấu kính. Mức độ nghiêm trọng của loạn thị được biểu thị bằng Diopters. Diopters là đơn vị đo công suất quang học của thấu kính. Số diopters càng cao nghĩa là tầm nhìn của người bệnh càng kém hoặc cần điều chỉnh nhiều.

Hiện nay, để điều trị tật loạn thị, người bệnh phải đeo kính mắt hoặc kính áp tròng. Nếu người bệnh bị loạn thị rất nhẹ (không ảnh hưởng đến thị lực) thì không cần đeo kính nhưng cần tái khám định kỳ 3-6 tháng. Người bệnh bị loạn thị ở mức độ thông thường thì phải điều chỉnh thấu kính như kính cận, kính áp tròng hoặc phẫu thuật. Đo khúc xạ khách quan rồi đeo kính là phương pháp thuận tiện, rẻ tiền và hiệu quả nhất đối với tật khúc xạ nói chung và loạn thị nói riêng, đặc biệt hiệu quả đối với đối tượng trẻ em. Trong một số trường hợp bị loạn thị nặng và phương pháp điều chỉnh bằng kính thuốc không đạt kết quả, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật (chỉ thực hiện sau 18 tuổi). Đây là phương pháp sử dụng tia laser hoặc dao vi phẫu để định hình lại giác mạc vĩnh viễn.

Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị Bùi Thị Vân Anh cho biết: Dấu hiệu loạn thị đặc trưng nhất ở mắt trẻ là nhìn mờ ở mọi khoảng cách, hình ảnh bị mờ, nhòe, biến dạng, tầm nhìn đôi, nhìn một vật thấy hai hoặc ba bóng mờ. Ngoài ra, trẻ có thể đi kèm một số triệu chứng khác như nhức mắt, mỏi mắt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, nước mắt chảy không kiểm soát. “Tuy bệnh này không liên quan đến thói quen sinh hoạt hay mức độ sử dụng mắt của trẻ nhưng tác động của nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng thiếu chất, sử dụng các thiết bị điện từ quá nhiều, chăm sóc mắt không đúng cách... đều có thể góp phần gia tăng tỉ lệ loạn thị ở trẻ”, bác sĩ Vân Anh chia sẻ.

Để giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc loạn thị ở trẻ, ba mẹ nên hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế thẳng lưng, mặt cách bàn học 30 cm. Phòng học của con phải đảm bảo đủ điều kiện ánh sáng, không quá tối hoặc ánh sáng quá chói. Nên cân bằng thời gian học và thời gian vui chơi, giải trí của trẻ. Chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời tối thiểu 2 giờ mỗi ngày.

Ba mẹ cần thiết lập thói quen khám mắt định kỳ cho con hai lần mỗi năm. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cần được tầm soát sớm để kiểm tra các các bệnh lý, tật ở mắt do bẩm sinh. Điều trị các bệnh lý về mắt (nếu có), điều trị sớm và triệt để, tránh gây biến chứng loạn thị.

Nếu phát hiện con có các dấu hiệu nhìn mờ, mỏi mắt, nhìn đôi thì nên đi khám bác sĩ, không tự ý đo cắt kính mà chưa qua thăm khám chuyên khoa. Ngoài việc theo dõi các biểu hiện bất thường của mắt, phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho con trẻ, nhất là nhóm thực phẩm nhiều vitamin A.

“Việc chẩn đoán loạn thị không khó nhưng quan trọng là phải phát hiện sớm và điều trị tích cực. Phương pháp không xâm lấn mà hiệu quả về cả về kinh tế cũng như chất lượng thị giác, đó là đeo kính chỉnh loạn thị.

Hiện nay Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã được trang bị hệ thống khám và chẩn đoán hiện đại. Ngoài các máy móc truyền thống như Phoropter, khúc xạ kế tự động, đèn soi bóng đồng tử, bệnh viện cũng vừa được trang bị hệ thống khảo sát bán phần trước nhãn cầu, trong đó có chụp bản đồ giác mạc, giúp chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm các loại tật khúc xạ, trong đó có loạn thị”, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bùi Thị Vân Anh cho biết.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-hien-som-va-giam-thieu-nguy-co-mac-loan-thi-o-tre-193057.htm
Zalo