Bổ sung vi chất cho trẻ: Không phải cứ bổ là tốt

Thấy con lười ăn, không bụ bẫm, thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa, không ít bậc phụ huynh nghĩ rằng con mình thiếu vi chất nên tự ý bổ sung canxi, vitamin D, sắt, kẽm... cho con. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo điều này có thể gây nên tình trạng thừa vi chất, thậm chí ngộ độc, gây hại cho con trẻ.

Có thể gây tác dụng ngược

Bé trai N.X.P. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) dù đã 10 tuổi nhưng chỉ nặng 22kg và cao 114cm. Lo lắng con không cao như các bạn đồng trang lứa, mẹ của bé đã nhờ người thân ở nước ngoài mua các loại thực phẩm bổ sung canxi giúp tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, sau ba tháng sử dụng, bé không những không cao thêm mà tăng đến 3kg và xuất hiện tâm lý e ngại, lo sợ khi bị cha mẹ bắt uống các loại thuốc đó. Đưa con đến khám và làm các xét nghiệm, được bác sĩ tư vấn, cha mẹ bé P. mới biết đã vô tình làm cho bé bị dư thừa chất, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

 PGS-TS-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (Trường Đại học Y Dược TPHCM) thăm khám cho trẻ

PGS-TS-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh (Trường Đại học Y Dược TPHCM) thăm khám cho trẻ

PGS-TS-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, hiện nay trên mạng đang quảng cáo tràn lan những loại thuốc giúp tăng chiều cao nhập khẩu từ Mỹ, Nhật… với lời hứa hẹn sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao đáng kể trong thời gian ngắn, thậm chí tăng chiều cao cho người đã trưởng thành. Một số phụ huynh vì quá lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm so với các bạn đồng trang lứa nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng này cho trẻ sử dụng. “Chưa tính đến việc những loại thực phẩm chức năng này có giúp trẻ tăng chiều cao “thần kỳ” như lời quảng cáo hay không, nhưng việc cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất”, PGS-TS-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh lưu ý.

Theo BS-CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, phần lớn các phụ huynh thường mua các loại thuốc bổ ngoại nhập theo kinh nghiệm bản thân mà không biết trẻ thiếu gì, thừa gì để bổ sung cho chính xác. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm, ảnh hưởng lớn đến trẻ sau này. “Vi chất dù mỗi ngày chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng lại đóng vai trò vô cùng to lớn với cơ thể. Thiếu hụt hoặc thừa vi chất dinh dưỡng đều có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp thông tin.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp dẫn chứng, nếu trẻ thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, làm giảm sức đề kháng và khiến trẻ hay mệt mỏi, kém tập trung trong học tập. Thiếu vitamin A có thể gây khô mắt và làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, việc thiếu canxi hoặc vitamin D có thể làm tăng nguy cơ còi xương và giảm sự phát triển của hệ xương. Ngược lại, thừa vi chất cũng gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như: thừa vitamin A có thể dẫn đến ngộ độc, làm tổn hại gan và gây rối loạn tiêu hóa; thừa canxi có thể gây tình trạng sỏi thận và làm giảm khả năng hấp thụ các dưỡng chất khác...

Bổ sung đúng, đủ và đều

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thiếu vi chất: cơ thể trẻ đang phát triển, có nhu cầu vi chất cao; trẻ thường xuyên bị bệnh, nhất là nhiễm trùng, cũng làm tăng nhu cầu về vi chất; do nhiễm giun sán… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ăn uống không đa dạng thực phẩm, không thay đổi món ăn, tiêu thụ nhiều thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, lười ăn hoặc kén ăn. Đặc biệt, không chỉ trẻ gầy mới có nguy cơ thiếu vi chất, mà trẻ có cân nặng bình thường, thậm chí trẻ thừa cân, béo phì, vẫn có thể thiếu vi chất dinh dưỡng. Các biểu hiện thiếu vi chất thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn.

 Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ

Trẻ thiếu vi chất thường xuất hiện các dấu hiệu: thường xuyên bị bệnh, dễ mắc các bệnh tiêu chảy, viêm mũi, viêm họng kéo dài, chậm tăng cân, biếng ăn, chậm hoặc không phát triển chiều cao, hay quấy khóc đêm, ra mồ hôi trộm, da xanh xao, tóc khô rụng, dễ gãy móng tay, còi xương, biến dạng tại xương và lồng ngực, chậm phát triển trí tuệ… Khi phát hiện các dấu hiệu trên, nhiều phụ huynh thường lo lắng và vội vàng bổ sung vi chất cho con. Tuy nhiên, bổ sung sao cho đầy đủ, đúng cách thì không phải phụ huynh nào cũng nắm rõ...

“Việc bổ sung đúng, đủ và đều các vi chất là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cách tốt nhất để bổ sung vi chất là thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Mỗi sản phẩm bổ sung dinh dưỡng trên thị trường đều có mặt lợi, mặt hại; có trường hợp trẻ nên bổ sung, nhưng có trường hợp không được bổ sung do tình trạng bệnh lý kèm theo. Do đó, cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ dinh dưỡng để xác định được chính xác cần bổ sung vi chất gì cho phù hợp”, BS-CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á công bố vào năm 2023, bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất dinh dưỡng, trong đó chủ yếu là sắt và kẽm. Báo cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, và cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ thiếu sắt.

MINH NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-sung-vi-chat-cho-tre-khong-phai-cu-bo-la-tot-post791816.html
Zalo