Phát hiện số lượng lớn hàng lậu, hàng giả bán qua sàn thương mại điện tử
Theo Bộ Công Thương, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử thời gian qua không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng, nhiều mặt hàng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngày 12/12, Bộ Công Thương cho biết, tình hình hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết.
Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được các đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Các mặt hàng bị phát hiện vi phạm nhiều nhất như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Đặc biệt, lợi dụng nhu cầu tăng cao ở một số thời điểm, một số đối tượng đã tập trung đưa hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em.
Trong 11 tháng, lực lượng quản lý thị trường tập trung giám sát, kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm trên cả nước. Đa số các đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
"Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện", Bộ Công Thương cho hay.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đánh giá, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử thời gian qua không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong 11 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 65.880 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỷ đồng, trong đó chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước trên 518 tỷ đồng.
Liên quan đến các vụ việc phòng vệ thương mại, theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước tăng cao.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu; hiện có 16 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực.
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại để ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, đã có 270 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.