Cần Thơ: Giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Chiều ngày 12/12, VKSND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị định giá tài sản trong tố tụng hình sự, giám định tư pháp các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, thực tiển trên địa bàn TP. Cần Thơ giai đoạn 2018-2023. Ông Nguyễn Đình Trung, thành viên Ban chỉ đạo TP. Cần Thơ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Viện trưởng VKSND TP. Cần Thơ chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo TAND TP. Cần Thơ, Sở Tư pháp TP. Cần Thơ, Sở Tài chính TP. Cần Thơ, Cơ quan CSĐT-Công an TP. Cần Thơ và Kiểm sát viên thuộc các phòng thuộc VKSND TP. Cần Thơ và các quận huyện.

Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện kiểm sát TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện kiểm sát TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng VKSD TP. Cần Thơ nhấn mạnh: “Hội nghị định giá tài sản trong tố tụng hình sự, giám định tư pháp nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác định giá tài sản, giám định tư pháp các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế qua đó rút ra được những khó khăn, vướng mắc, trong quá trình thực hiện, đưa ra những giải pháp, kiến nghị và đề xuất để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Theo ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự hội nghị thì công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự, giám định tư pháp các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế trong thời gian qua có nhiều thuận lợi như nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, đối với những vụ án có nhiều tài sản, có giá trị lớn thì các đơn vị thực hiện định giá còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Cần Thơ cho biết, trong giai đoạn 2018-2023, Sở Tài chính đã tiếp nhận 102 yêu cầu định giá. Trong đó, Hội đồng có kết luận định giá 84 vụ việc và có 18 Yêu cầu định giá đã từ chối thực hiện định giá do hồ sơ chưa đủ cơ sở để Hội đồng định giá.

Ông Kiệt cho rằng: “Hạn chế trong công tác định giá là các văn bản pháp luật hướng dẫn việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn phát sinh những khó khăn, hạn chế”. Điển hình như: Về nguyên tắc định giá tài sản: Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định một trong các nguyên tắc định giá tài sản là “phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”, tuy nhiên, điều này cũng chưa phù hợp trong trường hợp định giá tài sản là hàng cấm, tài sản có thị trường hạn chế hoặc không mua bán, giao dịch trên thị trường”.

Về việc thành lập Hội đồng định giá cấp huyện giá tài sản có giá trị dưới 500 triệu còn bất cập do tài sản yêu cầu định giá ban đầu không xác định được giá trị.

Tại hội nghị các đại biểu cũng thống nhất kiến nghị, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trong thời gian tới đề xuất bộ chuyên, ngành quan tâm: Hướng dẫn giám định về nguồn gốc, xuất xứ đối với hàng cấm và hàng nhập lậu; cụ thể hóa văn bản hướng dẫn về cơ chế chính sách ưu đãi trong chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định; có chế độ phù hợp cho đội ngũ giám định viên, thành viên Hội đồng định giá làm công tác kiêm nhiệm.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đồng thời kiến nghị Liên ngành tư pháp Trung ương thống nhất và ban hành hướng dẫn việc xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định, định giá trong hoạt động tố tụng hình sự bởi kết luận giám định, định giá là căn cứ để xác định thiệt hại nhằm bảo đảm việc giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Hữu Trãi/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-tho-giam-dinh-tu-phap-dinh-gia-tai-san-trong-to-tung-hinh-su-post1141692.vov
Zalo