Phát hiện 'Siêu Trái Đất' nghi chứa mầm sống, chuyên gia lý giải sao?

Ngoại hành tinh HD 20794 d, 'siêu Trái Đất' gấp 6 lần hành tinh xanh, nằm trong vùng sự sống ngôi sao tương tự Mặt Trời, thắp lên hy vọng tìm kiếm dấu hiệu sinh học.

Giới thiên văn học toàn cầu đang xôn xao trước thông tin về một "siêu Trái Đất" vừa được phát hiện bên ngoài Hệ Mặt Trời, mang tên HD 20794 d. Phát hiện chấn động này đến từ các nhà khoa học tại Đại học Oxford, không chỉ mở ra cánh cửa mới cho việc khám phá vũ trụ bao la, còn thắp lên ngọn lửa hy vọng về khả năng tồn tại sự sống ngoài hành tinh.

HD 20794 d, với khối lượng ước tính gấp 6 lần Trái Đất, được cho là ẩn chứa tiềm năng lớn để duy trì sự sống. Ngoại hành tinh này nằm trong "vùng sự sống" (habitable zone) của một ngôi sao tương tự Mặt Trời, cách chúng ta khoảng 20 năm ánh sáng. Vị trí đắc địa này cho phép HD 20794 d có thể duy trì nước ở dạng lỏng trên bề mặt – một yếu tố then chốt cho sự sống như chúng ta biết.

Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics. (Ảnh: NDTV)

Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics. (Ảnh: NDTV)

Tiến sĩ Michael Cretignier, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Vật lý, Đại học Oxford, người dẫn đầu công trình nghiên cứu, không giấu được sự phấn khích trước phát hiện mang tính đột phá này. "Điều thú vị nhất là khoảng cách tương đối gần của HD 20794 d với Trái Đất. Điều này mở ra hy vọng về các sứ mệnh không gian tương lai, có thể đủ sức mạnh để chụp ảnh trực tiếp hành tinh này", Tiến sĩ Cretignier chia sẻ.

Tuy nhiên, hành trình khám phá HD 20794 d vẫn còn nhiều thách thức. Khác với quỹ đạo gần như tròn của Trái Đất, HD 20794 d di chuyển theo quỹ đạo hình elip, tạo ra sự biến đổi nhiệt độ lớn trên bề mặt hành tinh trong quá trình quay quanh ngôi sao chủ. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về khả năng HD 20794 d có thực sự đủ điều kiện để hỗ trợ sự sống hay không.

Hành trình "bắt" được HD 20794 d cũng đầy gian nan. Tiến sĩ Cretignier lần đầu tiên phát hiện ra tín hiệu khả nghi của hành tinh này vào năm 2022, khi phân tích dữ liệu lưu trữ từ máy quang phổ HARPS (High Accuracy Radial Velocity Planet Searcher) tại Đài thiên văn La Silla ở Chile. Sau phát hiện ban đầu, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã dành gần hai thập kỷ để kiểm tra và xác thực dữ liệu quan sát, trước khi chính thức khẳng định sự tồn tại của HD 20794 d.

"Khi cuối cùng chúng tôi có thể xác nhận sự tồn tại của nó, đó thực sự là một niềm vui lớn. Đó cũng là một sự nhẹ nhõm, bởi tín hiệu ban đầu rất yếu, gần như ở ngưỡng phát hiện của máy quang phổ, khiến chúng tôi ban đầu không thể hoàn toàn chắc chắn", Tiến sĩ Cretignier bày tỏ.

Bất chấp những thách thức và câu hỏi còn bỏ ngỏ, Tiến sĩ Cretignier tin rằng HD 20794 d sẽ đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh không gian sắp tới, đặc biệt là các sứ mệnh tập trung vào việc tìm kiếm "dấu hiệu sinh học" (biosignatures) – những chỉ dấu hóa học cho thấy khả năng tồn tại sự sống trên các hành tinh xa xôi.

"Hành tinh này có thể đóng vai trò then chốt trong các sứ mệnh tương lai tìm kiếm dấu hiệu của sự sống, tôi vô cùng háo hức chờ đợi những khám phá tiếp theo từ các nhà khoa học khác, đặc biệt khi HD 20794 d là một trong những hành tinh giống Trái Đất gần nhất mà chúng ta từng biết và lại sở hữu một quỹ đạo độc đáo như vậy", ông giải thích.

Những phát hiện quan trọng về HD 20794 d đã được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Astronomy & Astrophysics, đánh dấu một bước tiến lớn trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Bích Hậu (Theo NDTV)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/phat-hien-sieu-trai-dat-nghi-chua-mam-song-chuyen-gia-ly-giai-sao-262539.htm
Zalo