Phát hiện mới về thành cổ Luy Lâu, Bắc Ninh

Lần đầu tiên, các chuyên gia, nhà khảo cổ phát hiện tại di tích thành cổ Luy Lâu, tường thành ngoại phía Tây khi khởi dựng được xây bằng gạch.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) vừa báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) năm 2025.

Theo đó, ngày 6/3/2025 Bộ VHTT&DL có Quyết định số 566/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu lần thứ 8. Đợt nghiên cứu khai quật được tiến hành từ ngày 25/3 - 29/4/2025.

Toàn cảnh hố khai quật ký hiệu 25LL.T15. Ảnh: BTLSQG

Toàn cảnh hố khai quật ký hiệu 25LL.T15. Ảnh: BTLSQG

Vị trí chọn mở hố khai quật trên tường thành ngoại phía Tây, giáp với đường liên thôn, phía Đông Nam cách chùa Phi Tướng khoảng 40m, phía Nam cách góc Tây Nam của thành ngoại khoảng 80m. Hố khai quật được mở giáp với hố khai quật năm 2022, có ký hiệu 25LL.T15, tổng diện tích khai quật khoảng 76m2, mở theo 2 hướng. Hướng thứ nhất mở dọc theo tường thành để tiếp tục nghiên cứu phế tích kiến trúc đã tìm thấy của đợt 7 (tháng 11/2022) nằm trong lòng tường thành; hướng thứ hai cắt ngang tường thành về phía bờ sông Dâu xưa để tìm hiểu địa tầng các lớp đắp thành.

Kết quả khai quật đợt này được tiếp nối từ những phát hiện trong đợt khai quật tại hố T14 (lần 7 năm 2022). Diện tích được mở rộng, đã bổ sung rất nhiều hiểu biết mới có giá trị về quá trình xây dựng, tồn tại, biến đổi, niên đại của thành Luy Lâu nói chung và việc xây dựng tường thành ngoại, đặc biệt tại thành ngoại ở phía Tây.

Cụ thể, về dấu tích mặt bằng sinh hoạt: tương đương với lớp 3 xuất lộ ở độ sâu 2,4m là lớp phù sa sông có các hoạt động của cư dân xưa, dấu vết tro than, xương răng động vật, các mảnh vụn gạch ngói, một ít mảnh đồ dùng sinh hoạt.

Rãnh thoát nước tiếp tục xuất lộ trong hố đào dài 3m có hướng tiến về phía Bắc và Nam, mặt cắt ngang gần giống hình thang úp ngược, trên rộng 100cm, đáy rộng 84cm. Cũng như nhận định năm 2022, rãnh là công trình được xây dựng trước khi xây dựng bức tường. Căn cứ vào địa tầng, gạch sử dụng xây rãnh, niên đại xây rãnh vào khoảng thế kỷ thứ IV.

Di tích tường gạch thời Lục Triều (thế kỷ V). Ảnh: BTLSQG

Di tích tường gạch thời Lục Triều (thế kỷ V). Ảnh: BTLSQG

Di tích tường gạch được tìm thấy năm 2022 tiếp tục xuất lộ trong hố khai quật, chạy dọc lòng thành về hướng Bắc, có chiều dài 11m, đoạn còn khá nguyên vẹn ở phía Nam dài 4,8m, đoạn còn lại ở phía Bắc chỉ còn lại phần đế móng đứt đoạn. Chân móng rộng khoảng 2,2m, chỗ cao nhất khoảng 2,0m, đáy móng tường được gia cố bằng một lớp đất sét.

Các loại gạch sử dụng xây tường có nhiều kích cỡ khác nhau, trang trí các loại hoa văn hình ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S..., niên đại khoảng từ thế kỷ I - V, các viên có kích thước lớn, còn khá nguyên vẹn được sử dụng xây dựng mặt ngoài. Trong ruột tường, các lớp xây bằng gạch vỡ nhỏ hơn, xếp thành từng lớp tương ứng với các hàng xây bên ngoài, mạch to nhồi đất.

Căn cứ vào địa tầng, vật liệu sử dụng xây dựng, các chuyên gia cho rằng đoạn tường thành này được xây dựng vào thời Nam Triều (thế kỷ V). Đây là dấu tích của bức tường thành ngoại phía Tây đầu tiên xây bằng gạch, dù không còn nguyên vẹn, bị phá dỡ nhưng các dấu vết để lại rất rõ ràng đó là việc đào bóc, tháo dỡ gạch xây tường, có vị trí đến tận sát đáy móng, trên hai vách đất còn thể hiện rõ hình dáng của hai mặt tường.

Vẫn như những nhận định của năm 2022, với độ cao hiện nay được xác định khoảng trên dưới 2m, thì tường thành ngoại Luy Lâu đắp vào giai đoạn Lục Triều có lẽ chỉ mang chức năng là tường bao ngăn cách nội thành với bên ngoài và là một con đê ngăn nước của sông Dâu vào mùa mưa lũ.

Lớp đất đắp thành thời Lục Triều (thế kỷ V - VI). Ảnh: BTLSQG

Lớp đất đắp thành thời Lục Triều (thế kỷ V - VI). Ảnh: BTLSQG

Di vật thu được trong hố khai quật gồm có vật liệu xây dựng là các loại gạch chữ nhật, gạch múi bưởi, hoa văn trang trí khá phong phú như: ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S có màu vàng nhạt, đỏ và xám xanh. Ngói có dạng ống và lòng máng. Bên cạnh đó là các mảnh đồ gia dụng bằng đất nung, sành và gốm men thuộc các loại hình như bát, đĩa, bình, vò...

Có thể nói, đây là lần đầu tiên phát hiện tại Luy Lâu tường thành ngoại phía Tây khi khởi dựng được xây bằng gạch. Vì vậy, các nhà khoa học kiến nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Ninh quan tâm, có phương án bảo vệ và trong tương lai sau khi nghiên cứu kỹ, có thể phát huy trưng bày tại chỗ để giới thiệu cho công chúng, du khách trong và ngoài nước biết về lịch sử của thành Luy Lâu.

Thiện Quang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-hien-moi-ve-thanh-co-luy-lau-bac-ninh.692891.html
Zalo