Phát hiện lăng mộ pharaoh đầu tiên sau hơn một thế kỷ

Sau hơn 100 năm, lịch sử khảo cổ Ai Cập lại chứng kiến một phát hiện vô cùng quan trọng.

Nhà khảo cổ học người Anh Piers Litherland, đã tìm thấy một lăng mộ hoàng gia tại Thung lũng các vị vua. Khi bước vào phòng chôn cất và chiêm ngưỡng trần nhà sơn xanh với những ngôi sao vàng lấp lánh, ông lập tức nhận ra mình đang đứng trước một khám phá vĩ đại.

Hình ảnh do Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập công bố cho thấy lối vào lăng mộ của Thutmose II. (Nguồn: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

Hình ảnh do Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập công bố cho thấy lối vào lăng mộ của Thutmose II. (Nguồn: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

Litherland đã dành hơn một thập kỷ nghiên cứu Thung lũng các vị vua trước khi tìm thấy cầu thang dẫn xuống lăng mộ, sau đó được xác định là của pharaoh Thutmose II, người trị vì từ năm 1493 đến 1479 trước công nguyên.

Sau nhiều tháng dọn dẹp hành lang bị bùn đất lấp kín do lũ lụt, nhóm nghiên cứu ban đầu tin rằng đây là lăng mộ của một vương hậu. Tuy nhiên, khi bước vào phòng chôn cất, những bức vẽ trên tường mô tả khung cảnh trong Amduat - một văn bản tôn giáo chỉ dành riêng cho các pharaoh, đã khẳng định danh tính chủ nhân ngôi mộ.

Litherland mô tả khoảnh khắc đó là một cảm giác "hoang mang lạ thường". Ông kể: "Khi tôi bước ra ngoài, vợ tôi đang đợi và tôi không thể kiềm chế được nước mắt vì xúc động".

Mặc dù hy vọng tìm thấy những di vật quý giá, nhóm khai quật nhận ra bên trong lăng mộ hoàn toàn trống rỗng, không phải do bị cướp phá, mà có vẻ đã được di dời có chủ ý. Theo Litherland, lăng mộ được xây dựng ngay bên dưới một thác nước và đã bị ngập lụt chỉ 6 năm sau khi chôn cất. Do đó, thi hài nhà vua đã được chuyển đến một vị trí khác qua một hành lang phụ.

Dấu vết duy nhất còn lại trong lăng là những mảnh vỡ nhỏ bằng đá alabaster khắc tên Thutmose II. Litherland giải thích: "Những mảnh vỡ này có lẽ đã bị vỡ khi thi hài được di dời. Nhưng chính nhờ chúng, chúng tôi đã xác định được danh tính chủ nhân ngôi mộ".

Phát hiện này là kết quả của dự án hợp tác giữa Quỹ nghiên cứu Tân Vương quốc và Hội Đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA), với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Khảo cổ học McDonald thuộc Đại học Cambridge.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-lang-mo-pharaoh-dau-tien-sau-hon-mot-the-ky-169250219172746507.htm
Zalo