Hóa thạch quý hiếm về 'động vật ăn thịt đỉnh cao'
Việc khai quật được hộp sọ gần như hoàn chỉnh của hyaenodont - động vật săn mồi tuyệt chủng một cách bí ẩn - sẽ hé mở một số manh mối cho nghiên cứu của giới khoa học.
Với hàm răng sắc nhọn như mèo và thân hình giống chó, hyaenodont là động vật ăn thịt từ thời cổ đại từng đứng đầu chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, toàn bộ loài đã bị xóa sổ cách đây khoảng 25 triệu năm, khiến các nhà tiền sử học đau đầu tìm nguyên nhân.
Một nhóm nhà sinh vật học vừa tìm thấy bằng chứng quý giá mới: Hộp sọ gần như hoàn chỉnh của một loài thuộc bộ hyaenodonta có tên gọi Bastetodon syrtos. Theo CNN, phát hiện này có thể đưa các nhà khoa học tiến gần hơn tới việc tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của loài vật hung dữ này.
Hét lên vì quá phấn khích
Hóa thạch được khai quật tại vùng trũng Fayum thuộc sa mạc phía tây Ai Cập. Đây là họp sọ hoàn chỉnh nhất của phân họ hyaenodonta Hyainailourinae được tìm thấy ở châu Phi.

Tác giả chính của nghiên cứu Shorouq Al-Ashqar chụp cùng hộp sọ thuộc về một loài chưa từng được xác định trước đây. Ảnh: Hesham Sallam.
Theo nghiên cứu công bố hôm 17/2 trên Journal of Vertebrate Paleontology, hộp sọ có niên đại từ đầu Kỷ Oligocene, khoảng 30 triệu năm trước.
Khi các nhà nghiên cứu phát hiện hộp sọ vào năm 2020, họ đã “hét lên vì phấn khích”, tác giả Shorouq Al-Ashqar - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm cổ sinh vật học có xương sống của Đại học Mansoura - nhớ lại.
“Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời”, bà Ashqar nói. “Hộp sọ này rất quan trọng với chúng tôi, không chỉ vì nó hoàn chỉnh và rất đẹp, mà còn cung cấp cho chúng tôi những đặc điểm mới về loài động vật ăn thịt đã tuyệt chủng này”.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho hyaenodonta này là Bastetodon syrtos để tôn vinh nữ thần Bastet đầu mèo của Ai Cập cổ đại. Bastetodon syrtos có mõm ngắn hơn so với các loài hyaenodont khác.
Theo bà Ashqar, Bastetodon syrtos có lực cắn cực mạnh nhờ những chiếc răng sắc nhọn như dao.
“Có thể nói Bastetodon từng là vua của khu rừng Ai Cập cổ đại”, bà nói.
Động vật ăn thịt đỉnh cao thời cổ đại
Hóa thạch hyaenodonta được tìm thấy trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi. Một số loài to bằng tê giác, trong khi có loài giống chồn nhỏ.

Ảnh minh họa về Bastetodon. Ảnh: Ahmad Morsi.
Trong thời kỳ Oligocene, Fayum Depression là một khu rừng nhiệt đới tươi tốt. Bastetodon săn bắt các loài linh trưởng như Aegyptopithecus, cũng như hà mã và voi.
"Chúng giống những con sói gân guốc to lớn hoặc chó pitbull. Đầu to, toàn cơ bắp”, đồng tác giả Matthew Borths - chuyên gia từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Duke Lemur thuộc Đại học Duke ở Durham, North Carolina - cho biết.
Giới khoa học hiếm khi khai quật được hóa thạch của động vật ăn thịt cổ đại, và thường chỉ tìm thấy răng hoặc các mảnh hộp sọ, ông Borths nói thêm.
Ông Borths giải thích việc phát hiện một hộp sọ gần như nguyên vẹn giúp giới nghiên cứu hiểu rõ hơn về những đặc điểm cụ thể của loài vật này, như kích thước não bộ hoặc mức độ nhạy bén của khứu giác.
Họ cũng so sánh hộp sọ Bastetodon với hóa thạch của Sekhmetops - một loài hyaenodonta khác tìm thấy ở châu Phi khoảng 120 năm trước.

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện ra hộp sọ vào năm 2020 tại vùng trũng Fayum thuộc sa mạc phía Tây Ai Cập. Ảnh: Hesham Sallam.
Đi tìm lời giải
Sự kiện tuyệt chủng Eocene-Oligocene là thời điểm khí hậu biến đổi, lạnh đặc biệt diễn ra cách đây khoảng 34 triệu năm, dẫn tới xóa sổ hàng loạt và thay đổi quần thể động vật lớn. Ông Borths nhận định dẫu vậy, hyaenodont vẫn tồn tại và sống sót sau đó, cho thấy khả năng thích nghi và phục hồi của loài động vật này.
Tuy nhiên, vài triệu năm sau, chúng tuyệt chủng và được thay thế bằng họ hàng của chó, mèo và linh cẩu. Việc bổ sung các mắt xích còn thiếu trong hồ sơ hóa thạch giúp các nhà cổ sinh vật học hiểu rõ hơn lý do hyaenodont - một nhóm động vật từng rất kiên cường - lại biến mất, cũng như mức độ thích nghi và áp lực từ môi trường mà một dòng có thể chịu đựng.
“Sự kết thúc của hyaenodonta vào cuối kỷ Oligocene cho thấy biến đổi khí hậu, áp lực cạnh tranh và sự thay đổi nguồn thức ăn đã ảnh hưởng đến các loài ăn thịt ra sao”, tiến sĩ Cathrin Pfaff - giảng viên tại Viện Cổ sinh vật học thuộc Đại học Vienna (Áo) - nhận định. Bà không tham gia vào nghiên cứu này.
“Việc chúng thất thế trước mèo và chó trong tiến trình tiến hóa vẫn còn là một bí ẩn, nhưng có thể liên quan đến bộ răng chuyên biệt của chúng”, bà Pfaff giải thích, đề cập đến cách sắp xếp và phát triển răng của loài này. “Chính vì vậy, một mẫu hóa thạch hoàn chỉnh như nghiên cứu này mang lại là bước tiến quan trọng giúp giải mã bí ẩn, ngay cả khi nó chỉ thuộc về một cá thể có kích thước trung bình”.