Phát hiện chấn động: Mặt Trời đang 'gửi nước' tới Mặt Trăng

Mặt Trời ngôi sao nóng bỏng của hệ Mặt Trời có thể đang đóng vai trò bất ngờ trong việc 'tưới nước' cho Mặt Trăng, biến viễn cảnh xây dựng thị trấn không gian trở nên khả thi hơn bao giờ hết.

Một nghiên cứu mới từ Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA đã xác nhận: gió Mặt Trời dòng hạt tích điện liên tục tuôn ra từ Mặt Trời đang giúp tạo ra nước trên bề mặt Mặt Trăng. Đây là một phát hiện mang tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cường quốc không gian đang hướng đến việc xây dựng căn cứ thường trực trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.

Vệ tinh Mặt Trăng của Trái Đất có thể có khá nhiều nước nhờ... Mặt Trời? - Minh họa AI: Thu Anh

Vệ tinh Mặt Trăng của Trái Đất có thể có khá nhiều nước nhờ... Mặt Trời? - Minh họa AI: Thu Anh

Không giống như Trái Đất được bảo vệ bởi từ trường, Mặt Trăng hoàn toàn phơi mình dưới tác động dữ dội của vũ trụ, đặc biệt là gió Mặt Trời. Những "cơn mưa" hạt tích điện này chủ yếu là ion hydro mang điện tích dương không chỉ bắn phá bề mặt mà còn có thể là nguồn gốc hình thành nước.

Từ lâu, các mô phỏng máy tính đã chỉ ra vai trò của gió Mặt Trời trong việc tạo nên hydroxyl (OH) và phân tử nước (H₂O) trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn là giả thuyết cho đến khi thí nghiệm mới nhất của NASA đưa ra bằng chứng xác thực.

Dựa trên hai mẫu đất Mặt Trăng (regolith) được mang về từ sứ mệnh Apollo 17 cách đây nửa thế kỷ, nhóm khoa học của NASA đã thực hiện thí nghiệm mô phỏng môi trường Mặt Trăng. Sau khi làm sạch và nung nóng để loại bỏ bất kỳ lượng nước nào hấp thụ từ Trái Đất, họ cho các mẫu tiếp xúc với ion hydro trong buồng chân không tái hiện điều kiện tương tự gió Mặt Trời.

Kết quả thật ấn tượng: các tín hiệu đặc trưng của phân tử nước bắt đầu xuất hiện trong dải hồng ngoại, cho thấy sự hình thành thực sự của hydroxyl và nước từ phản ứng giữa hydro và oxy có sẵn trong regolith.

Không chỉ xác nhận sự hình thành nước, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thêm một điều đáng chú ý: khi mẫu đất bị nung nóng lên nhiệt độ ban ngày điển hình trên Mặt Trăng khoảng 126°C lượng nước suy giảm đáng kể. Nhưng khi để nguội và tiếp tục bị "bắn phá", dấu hiệu của nước lại xuất hiện trở lại.

Điều này cho thấy Mặt Trăng có thể sở hữu một chu trình tự nhiên tái tạo nước, nhờ vào gió Mặt Trời điều có thể làm thay đổi hoàn toàn cách con người khai thác và sinh sống trên bề mặt vệ tinh này trong tương lai.

Phát hiện này không chỉ làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn của hành tinh chúng ta mà còn mở ra triển vọng đầy hứa hẹn cho tương lai chinh phục không gian. Nếu nguồn nước có thể được sản sinh tự nhiên và tái tạo liên tục trên Mặt Trăng, việc duy trì sự sống, sản xuất nhiên liệu và phát triển các tiền đồn vũ trụ sẽ trở nên khả thi hơn bao giờ hết.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-chan-dong-mat-troi-dang-gui-nuoc-toi-mat-trang/20250525071839952
Zalo