Phát hiện cấu trúc 'kho thiêng'

Kho thiêng với phần trung tâm nằm trong khung hình tròn và tạo dựng bằng các viên gạch xếp thành hình chữ Vạn. Cấu trúc này lần đầu tiên được biết đến ở di tích An Phú (tỉnh Gia Lai) và trên địa bàn Tây Nguyên; đồng thời cũng là duy nhất được biết đến hiện nay khi đặt trong bối cảnh chung và so sánh với loại hình di tích kiến trúc tôn giáo thuộc các nền văn hóa cổ ở miền Trung Việt Nam (văn hóa Champa), Nam Bộ (văn hóa Óc Eo) và khu vực Đông Nam Á.

Cấu trúc trung tâm hố thiêng di tích An Phú.

Cấu trúc trung tâm hố thiêng di tích An Phú.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, đây là phát hiện rất quan trọng, cung cấp nhiều thông tin mới giúp ích cho việc nhận diện đặc trưng tôn giáo, tính chất của di tích, vấn đề niên đại và quan hệ của nó với các di tích kiến trúc đồng dạng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung Việt Nam, Đông Nam Á và Ấn Độ.

Bên trong kho thiêng tìm thấy bộ hiện vật là đồ ký cúng, gồm nhóm hiện vật bằng kim loại vàng (bình kamandalu, hoa sen, các lá vàng có khắc ký tự cổ), trang sức bằng đá quý, thủy tinh...

Đây là những vật ký cúng được đặt vào cấu trúc kho thiêng với mục đích dâng cúng cho vị thần được thờ phụng tại di tích này.

Di tích An Phú nằm cách trung tâm TP. Pleiku 7km về phía Đông, được biết đến từ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX bởi các học giả người Pháp. Quá trình phát hiện, nghiên cứu di tích khái quát qua 2 giai đoạn: trước 1975 và từ sau 1975 đến nay. Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm khảo cổ học tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ tại 4 hố thăm dò và 1 hố khai quật với tổng diện tích trên 235m2.

Các đại biểu tham quan khu vực phát hiện kho thiêng (hố thiêng) tại di tích An Phú.

Các đại biểu tham quan khu vực phát hiện kho thiêng (hố thiêng) tại di tích An Phú.

Cùng với những phát hiện mới từ cuộc khai quật đợt II tại di tích An Phú cung cấp thêm nhiều tư liệu quan trọng, gợi ý cho một khung niên đại xây dựng sớm hơn đối với di tích An Phú từ khoảng thế kỷ IX-X và được sử dụng kéo dài đến thế kỷ XII-XIII.

Kết quả khai quật kết hợp với tài liệu mô tả về di tích được người Pháp công bố vào đầu thế kỷ XX cho phép đủ căn cứ để tái dựng một cách tương đối mặt bằng tổng thể của di tích, qua đó nhận diện được diện mạo và tiếp tục nghiên cứu so sánh với các di tích đồng dạng, đồng đại tại miền Trung, Tây Nguyên và khu vực.

TK

(Theo baogialai.com.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-hien-cau-truc-kho-thieng-212578.htm
Zalo