Bình Thuận có bảo vật quốc gia
Tại Lễ hội Katê năm 2024, Bình Thuận đã tổ chức lễ đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng của người Chăm nơi đây.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Po Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong).
Bảo vật quốc gia Linga vàng có niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài. Linga vàng có trọng lượng 78,36 gram với tỉ lệ vàng ròng chiếm 90,4% và 9,6% còn lại là bạc và đồng.
Thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, Linga vàng Po Dam là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của Văn hóa Champa nói chung và không gian địa phương ở phía Nam của nền văn hóa này. Đây là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật chế tác đá, nghệ thuật tạo hình đến triết lý tôn giáo.
Champa được biết đến với tên danh xưng là “xứ trầm hương”, “xứ sở vàng” nổi tiếng với các sản phẩm trầm, gỗ quý, vàng được khai thác từ các vùng núi Trung - Trung bộ trong quá khứ mà cho đến ngày nay vẫn còn thu hút nhiều sự quan tâm. Bảo vật quốc gia Linga vàng Po Dam với chất lượng cao về độ tinh khiết là một tư liệu nổi bật góp phần minh chứng cho các thông tin ghi chép về hoạt động khai khoáng, chế tác và trao đổi kim loại vàng ở mức độ thương phẩm trong thời kỳ Văn hóa Champa, hiện vật có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn của cộng đồng người Chăm trước đây.
Hiện nay ở Bình Thuận, đồng bào Chăm hiện đang sinh sống trên 40.000 người, tập trung tại các huyện như: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh…