Phát hiện cách thức mà bệnh COVID-19 gây tổn thương tim
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đông Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland của Úc đã phát hiện ra cách thức bệnh COVID-19 gây tổn thương tim, mở ra hướng nghiên cứu về các biện pháp điều trị mới hiệu quả trong tương lai.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Immunology (Miễn dịch học) cho biết mặc dù cả bệnh COVID-19 và bệnh cúm đều do virus gây bệnh về đường hô hấp, nhưng 2 căn bệnh này ảnh hưởng đến các mô tim theo cách hoàn toàn khác nhau.
Nghiên cứu phân tích mô tim thật của con người, thu thập trong quá trình khám nghiệm tử thi của 7 bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Brazil, 2 người tử vong do bệnh cúm và 6 bệnh nhân đối chứng.
Kết quả phân tích, so sánh ban đầu cho thấy bệnh COVID-19 gây tổn thương ADN trong các mô tim, trong khi hiện tượng này không được phát hiện ở các mẫu cơ tim của bệnh nhân tử vong do cúm.
Giáo sư John Fraser cho biết: "Khi nghiên cứu các mẫu mô tim của bệnh nhân mắc cúm, chúng tôi nhận ra rằng bệnh cúm gây ra tình trạng viêm cơ tim quá mức. Trong khi đó, virus (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 đã tấn công ADN của mô tim, có thể trực tiếp chứ không phải là một tác nhân gây viêm".
Theo giáo sư, nghiên cứu cho thấy 2 loại virus này dường như tác động đến mô tim rất khác nhau và điều này cần phải tìm hiểu thêm trong các nghiên cứu quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu của Viện Diamantina thuộc Đại học Queensland, ông Arutha Kulasinghe cho biết các chuyên gia không thể phát hiện dấu vết của virus trong mô tim của bệnh nhân COVID-19, nhưng họ nhận thấy các thay đổi mô liên quan đến việc sửa chữa và gây tổn thương ADN.
Theo ông, cơ chế gây tổn thương và sửa chữa ADN thúc đẩy sự mất ổn định hệ gene và có liên quan đến các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh động mạch vành và các rối loạn thoái hóa thần kinh.
So sánh với dịch cúm năm 2009 thì COVID-19 gây ra các bệnh về tim mạch nghiêm trọng và kéo dài hơn ở người bệnh sau này. Điều này đã chứng minh rõ ràng là COVID-19 không giống như bệnh cúm.
Các nhà khoa học nhấn mạnh nghiên cứu này giúp họ hiểu COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến trái tim con người và đây là bước đầu tiên để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất các bệnh tim mạch ở bệnh nhân COVID-19.
* Ngày 2/10, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 116 ca mắc COVID-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 432 ca mắc mới không triệu chứng.
Cũng theo NHC, tổng cộng có 143 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện trong ngày 1/10, nâng tổng số bệnh nhân phục hồi tại Trung Quốc đại lục lên 242.629 người. Số ca tử vong do COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 ca.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 30.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng lây lan chậm lại.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 2/10 cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận 23.597 ca mắc mới, trong đó có 246 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 24.819.611 ca.
Đây cũng là ngày có số ca mắc mới thấp nhất trong 12 tuần qua tại Hàn Quốc. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 44 ca tử vong do COVID-19, nâng số bênh nhân không qua khỏi lên 28.489 người.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang dần lắng dịu, Hàn Quốc đã nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch để hỗ trợ người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Từ ngày 1/10, Hàn Quốc đã bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với những người nhập cảnh. Giới chức y tế cũng cho phép nối lại hình thức thăm nom trực tiếp tại các viện dưỡng lão và bệnh viện chăm sóc người cao tuổi kể từ ngày 3/10.
Trước đó, vào tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã dỡ bỏ tất cả các quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang trong không gian kín vẫn có hiệu lực để tránh nguy cơ lây lan cúm mùa và dịch COVID-19 bùng phát trở lại.