Phát hiện bất ngờ từ mô hình 3D xác tàu Titanic
Phim tài liệu 'Titanic: The Digital Resurrection' công bố hình ảnh 3D chi tiết về xác tàu Titanic, đồng thời tiết lộ những phỏng đoán về đêm định mệnh năm 1912.

Bản sao kỹ thuật số hoàn chỉnh của Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan.
Titanic: The Digital Resurrection (tạm dịch: Titanic: Sự hồi sinh của kỹ thuật số) - phim tài liệu mới của National Geographic - gây chú ý khi tái hiện hình ảnh 3D chính xác nhất từ trước đến nay về xác tàu Titanic.
Phim cho thấy cách Công ty công nghệ Magellan (Mỹ) ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra bản sao kỹ thuật số tỷ lệ 1:1, tái hiện các chi tiết của xác con tàu ở đáy đại dương, theo công bố hôm 8/4.
National Geographic nhấn mạnh mô hình này không chỉ là công cụ tái hiện con tàu nổi tiếng nhất lịch sử, mà còn là bước tiến lớn trong khảo cổ học dưới nước, mở ra khả năng phân tích trực quan các chi tiết bị chôn vùi suốt hơn một thế kỷ qua.
Khi Titanic nhổ neo vào ngày 10/4/1912, đó là tàu chở khách lớn nhất hoạt động bấy giờ và được coi là "không thể chìm". Nhưng chỉ 4 ngày sau đó, chuyến đi đầu tiên của Titanic trở thành thảm kịch khi tàu đâm phải một tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương lúc 23h40 ngày 14/4, cuối cùng bị chìm trong vòng chưa đầy 3 tiếng.
Do không có đủ xuồng cứu sinh cho khoảng 2.220 người trên tàu, hơn 1.500 người đã chết trong vụ tai nạn, chỉ có hơn 700 người sống sót. Từ đó đến nay, Titanic trở thành vụ đắm tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Theo công bố, bộ phim tài liệu dài 90 phút do đạo diễn Anthony Geffen cầm trịch, tái hiện lại những khoảnh khắc cuối cùng của con tàu, thách thức những giả định trước đây, đồng thời tiết lộ những thông tin mới về sự thực xảy ra vào đêm định mệnh năm 1912.

Mô hình quét 3D không chỉ là công cụ tái hiện con tàu nổi tiếng nhất lịch sử, mà còn là bước tiến lớn trong khảo cổ học dưới nước. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan.
Trong phim, nhà phân tích Parks Stephenson, nhà luyện kim Jennifer Hooper và thuyền trưởng Chris Hearn đi bộ xung quanh mô hình 3D kích thước thật của con tàu và phát hiện nhiều chi tiết chưa từng được biết đến.
Một trong những phát hiện quan trọng là van hơi ở phòng nồi hơi số 2 vẫn mở, chứng tỏ các kỹ sư đã ở lại vị trí này suốt hơn hai tiếng sau vụ va chạm để giữ nguồn điện hoạt động, giúp thủy thủ đoàn gửi tín hiệu cấp cứu. Hành động dũng cảm này có thể đã cứu sống hàng trăm người, dù 35 người trong phòng máy có thể đã hy sinh.
Mô hình 3D cũng cho thấy Titanic không bị gãy làm hai phần như nhiều người nghĩ, mà thực tế bị xé toạc mạnh đến mức phá hủy cả khoang hạng nhất – nơi có mặt của những hành khách nổi tiếng như JJ Astor và Benjamin Guggenheim.
Một chi tiết đáng chú ý khác là việc mô hình 3D đã làm rõ vị trí của cần cẩu xuồng cứu sinh, minh oan Sĩ quan William Murdoch không bỏ nhiệm sở như từng bị cáo buộc, mà đã bị sóng cuốn đi khi đang chuẩn bị hạ xuồng cứu hộ.
Dù một số bộ phận của xác tàu đang dần sụp đổ theo thời gian, bản sao kỹ thuật số từ Magellan đã ghi lại hình ảnh Titanic với độ chi tiết tối đa như cách nó hiện diện dưới đáy biển vào năm 2022.