Phật giáo mình đẹp lắm
Phật giáo là một tôn giáo, một hệ thống triết học, một lối sống hướng đến sự an lạc, hạnh phúc của con người và sự phát triển toàn diện của xã hội.
Tác giả: Đại đức TS Thích Không Tú
Trong không khí trang nghiêm và hoan hỷ của Đại lễ Vesak 2025, ngày lễ hội Văn hóa tôn giáo thế giới tôn vinh ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn[1].
Vesak là dịp để chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc đạo sư vĩ đại đã khai sáng con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp tiềm ẩn và giá trị trường tồn của Phật giáo, đặc biệt trong bối cảnh của dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau khám phá vẻ đẹp ấy qua 5 khía cạnh chính: sự duy nhất của đức Phật, 5 phẩm chất quý báu trong giáo lý của Ngài, mối liên hệ mật thiết giữa Phật giáo và vận mệnh dân tộc Việt Nam, những đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển bền vững ở thời đại ngày nay.
1. Sự duy nhất của đức Phật
Từ khoảnh khắc đản sinh, cuộc đời của Thái tử Tất Đạt Đa đã mang những nét phi thường. Phật giáo huyền sử kể rằng Ngài được sinh ra từ hông phải của Hoàng hậu Maya khi bà đứng dưới một gốc cây Sala trong vườn Lâm Tỳ Ni.
Khi sinh ra, ngài đã đi bảy bước, mỗi bước nở ra một đóa sen. Một tay Ngài chỉ trời, một tay chỉ đất và nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ. Duy ngã độc tôn”[2]. Sự kiện đánh dấu sự xuất hiện của một bậc vĩ nhân. Dù được sống trong nhung lụa và được cha là vua Tịnh Phạn tạo mọi điều kiện để học hành, hưởng thụ và phát triển bản thân, nhưng Thái tử vẫn không nguôi ngoai nỗi trăn trở về ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, một sự thật vượt lên trên những thú vui trần tục.
Năm 29 tuổi (theo Phật giáo Bắc tông là 19 tuổi), Thái tử đã bí mật rời khỏi cung điện để khám phá thế giới bên ngoài. Bốn cảnh tượng Ngài chứng kiến trên đường đã gây ấn tượng sâu sắc và thay đổi hoàn toàn cuộc đời Ngài: một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết và một vị tu sĩ khổ hạnh. Những khổ đau của kiếp nhân sinh đã thức tỉnh Ngài, thôi thúc Ngài từ bỏ cuộc sống vương giả để dấn thân vào con đường tu hành, tìm kiếm phương pháp giải thoát khổ đau cho chính mình và cho tất cả chúng sinh. Cuộc gặp gỡ với vị tu sĩ khổ hạnh đã mở ra một hướng đi mới, củng cố thêm quyết tâm của Ngài trong việc tìm kiếm chân lý sâu xa.
Sau khi từ bỏ cung điện, Thái tử đã trải qua sáu năm tu khổ hạnh vô cùng khắc nghiệt, hành trì các phép yoga và ép xác với hy vọng đạt được giải thoát tâm linh. Tuy nhiên, đến khi cơ thể suy kiệt, Ngài nhận ra rằng con đường ép xác không phải là phương tiện để đạt được sự giải thoát thực sự. Chính trong thời khắc ấy, Ngài đã khám phá ra con đường Trung đạo – một con đường cân bằng, không rơi vào hai thái cực buông thả dục lạc và khổ hạnh ép xác – như một phương pháp độc đáo dẫn đến giác ngộ[3].
Dưới gốc cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, sau những giờ phút thiền định sâu sắc và vượt qua mọi cám dỗ của ma vương, Thái tử Tất Đạt Đa đã đạt được giác ngộ vô thượng, trở thành Chính đẳng Chính giác, bậc “Giác ngộ” hay “Người Tỉnh Thức”, ở tuổi 35 (theo Phật giáo Bắc tông là ở tuổi 30). Trong đêm giác ngộ, Ngài đã đạt được những năng lực và tuệ giác đặc biệt: khả năng thấy rõ các tiền kiếp của mình (túc mạng minh), hiểu được vòng luân hồi sinh tử của tất cả chúng sinh (thiên nhãn minh), và hoàn toàn đoạn trừ được mọi tham ái và vô minh (lậu tận minh)[4].
Giáo lý của đức Phật mang tính cách mạng sâu sắc so với thời đại của Ngài, khi nó áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị xã hội trong hệ thống đẳng cấp khắc nghiệt của Ấn Độ cổ đại. Cách tiếp cận toàn diện của Ngài trái ngược hoàn toàn với Bà La Môn giáo, đặc biệt là về các nghi lễ hiến tế động vật và vai trò đặc quyền của các tu sĩ Bà La Môn trong việc đạt được sự cứu cánh.
Đặc biệt, đức Phật là nhân vật duy nhất trong lịch sử các tôn giáo tuyên bố mình không đại diện cho Thượng đế, thần linh hay một đấng toàn năng, sáng thế nào[5]. Ngài chỉ ra rằng sự giải thoát nằm trong chính nỗ lực của mỗi cá nhân, không phải sự ban ơn từ một thế lực siêu nhiên. Đức Phật luôn khuyến khích sự tự lực và trách nhiệm cá nhân trong việc phát triển tâm linh và đạt được sự giải thoát tối thượng.
Ngài dạy cho Tôn giả A Nan: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chính pháp làm ngọn đèn, dùng Chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”[6] đã trở thành một trong những lời răn quan trọng nhất, nhấn mạnh sự tự chủ trên con đường tu tập.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
2. Năm phẩm chất quý báu của giáo pháp
Con đường giải thoát (Niết bàn) được giới thiệu là mục tiêu tâm linh tối hậu trong Phật giáo – sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau và sự vượt thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử[7]. Tứ Diệu Đế là nền tảng cho việc hiểu và đi trên con đường này: chân lý về khổ (dukkha), chân lý về nguyên nhân của khổ (samudaya – tham ái), chân lý về sự chấm dứt khổ (nirodha – Niết bàn), và chân lý về con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ (magga – Bát Chính Đạo). Bát Chính Đạo được trình bày như một hướng dẫn đạo đức và thực hành trí tuệ toàn diện để đạt được giải thoát, bao gồm Chính Kiến, Chính Tư Duy, Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mạng, Chính Tinh Tấn, Chính Niệm và Chính Định. Con đường này thường được tóm gọn trong Tam Vô Lậu Học: giới (sila), định (samadhi) và tuệ (panna).
Con đường giải thoát này mang năm đặc tính quý báu, kinh Tăng chi bộ, tập 2 có nêu[8]:
- Thiết thực hiện tại: Giáo lý Phật giáo không chỉ là lý thuyết suông mà có thể thực hành và nghiệm chứng ngay trong cuộc sống này.
- Khả năng trực nghiệm (đến để mà Thấy): Bất kỳ ai thực hành đúng theo giáo pháp đều có thể tự mình chứng nghiệm được những lợi ích và sự thật mà Phật dạy.
- Tính bất biến theo thời gian: Chân lý mà Phật khám phá ra vượt lên trên mọi sự thay đổi của thời gian và mọi nền văn hóa.
- Tính hướng thượng: Giáo pháp luôn hướng dẫn con người phát triển những phẩm chất tốt đẹp, vượt qua những điều tiêu cực để đạt đến sự giác ngộ.
- Khả năng tự chứng ngộ của người trí: Người có trí tuệ có thể suy ngẫm và tự mình hiểu được những chân lý sâu xa trong giáo pháp.
Như vậy, con đường giải thoát trong Phật giáo, được trình bày thông qua Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo với năm đặc tính quý báu, cung cấp một khuôn khổ toàn diện và dễ tiếp cận cho sự chuyển hóa cá nhân. Nó vừa mang lại sự hiểu biết sâu sắc về tình trạng con người vừa là một hướng dẫn rõ ràng, từng bước để nuôi dưỡng trí tuệ, hành vi đạo đức và kỷ luật tinh thần nhằm vượt qua khổ đau và đạt được sự bình an vĩnh cửu.
3. Vận mệnh Phật giáo gắn liền với vận mệnh dân tộc Việt Nam
Các nghiên cứu cho thấy Phật giáo đã đến Việt Nam từ rất sớm, vào khoảng giữa thế kỷ thứ III đến thứ II trước Công nguyên[9], và phát triển thành một trung tâm Phật giáo lớn vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên[10]. Dưới triều Đinh (968–980), Phật giáo Đại thừa đã được nhà nước công nhận là quốc giáo, phản ánh sự tôn trọng cao đối với đức tin Phật giáo của các vị vua Việt Nam. Nhà Tiền Lê (980–1009) cũng dành sự công nhận tương tự cho Tăng đoàn Phật giáo, với nhiều nhà sư uyên bác được mời vào triều đình để hỗ trợ về mặt tư tưởng cho quốc gia mới giành độc lập sau gần 1000 năm Bắc thuộc.
Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao dưới triều Lý (1009–1225), với tất cả các vị vua đều tôn sùng và ban hành các chính sách ủng hộ Phật giáo làm quốc giáo, tiêu biểu là người sáng lập Lý Thái Tổ, vốn lớn lên trong một ngôi chùa Phật giáo (chùa Tiêu - Bắc Ninh), gắn liền với sự dạy dỗ của thiền sư Khánh Văn, Vạn Hạnh. Sự bảo trợ của hoàng gia tiếp tục dưới triều Trần (1225–1400), mặc dù Phật giáo phải chia sẻ vị thế với sự phát triển của Nho giáo. Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) thậm chí còn xuất gia tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Bản thân nhà vua được người đời suy tôn là Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa chiền Việt Nam, biểu tượng của sự nghiệp kiến quốc và hộ quốc. Sự gắn kết này được minh chứng qua lịch sử, danh xưng và cả vị trí địa lý chiến lược của nhiều ngôi chùa, từ quá khứ đến hiện tại. Một minh chứng điển hình là Chùa Trấn Quốc tại Hà Nội. Ngôi chùa này, với lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ VI dưới thời Lý Nam Đế (544-548), ban đầu mang tên Khai Quốc (開國 - Mở Nước). Danh xưng này tự thân đã mang ý nghĩa trọng đại, gắn liền với buổi đầu xây dựng nền độc lập tự chủ của quốc gia.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, tên chùa được thay đổi, như An Quốc (安國 - Yên Nước) vào thời Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức, 1470-1497) và đặc biệt là Trấn Quốc (鎭國 - Giữ Nước/Bảo Vệ Đất Nước) từ năm 1628 (hoặc 1615 theo một số tài liệu). Sự biến đổi trong danh xưng của ngôi chùa không chỉ là sự thay đổi tên gọi đơn thuần mà còn phản ánh những biến cố lịch sử và vai trò ý thức hệ mà ngôi chùa đảm nhận trong từng thời kỳ, từ khát vọng khai mở quốc gia đến mong muốn ổn định và cuối cùng là ý chí bảo vệ vững chắc nền độc lập trước những thách thức. Tên gọi Trấn Bắc (鎭北 - Bảo Vệ Phương Bắc) vào năm 1844 dưới thời Nguyễn càng làm rõ nét hơn vai trò này trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Xu hướng này tiếp tục được thể hiện qua tên gọi của nhiều ngôi chùa được xây dựng hoặc trùng tu trong các giai đoạn sau này trên khắp cả nước, như: Chùa Hộ Quốc (護國 - Bảo Vệ Đất Nước) tại Phú Quốc, Chùa Phật Quốc Vạn Thành (佛國萬成 - Nước Phật Vạn Điều Thành Tựu) tại Bình Phước, Chùa Quốc Ân Khải Tường (國恩啓祥 - Ơn Nước Mở Ra Điềm Lành) tại Đồng Nai, hay Việt Nam Quốc Tự (越南國寺 - Chùa Của Nước Việt Nam) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những danh xưng này, dù ở các thời kỳ và bối cảnh khác nhau, đều nhất quán thể hiện sự nhận thức sâu sắc về mối liên hệ hữu cơ giữa cơ sở thờ tự Phật giáo và quốc gia dân tộc.
Đặc biệt qua việc xây dựng các ngôi chùa ở những vị trí địa lý mang tính chiến lược về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia. Tại hải đảo, Chùa Hộ Quốc (Phú Quốc), với chính danh xưng “Bảo vệ Đất Nước”. Trên quần đảo Trường Sa (như Chùa Trường Sa Lớn, Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn...), việc Nhà nước chọn xây dựng chùa chiền làm “cột mốc văn hóa tâm linh” tại những nơi tiền tiêu, trong khi không có các cơ sở thờ tự chính thức tương tự của các tôn giáo khác chính là một minh chứng hùng hồn và có tính biểu tượng rất cao cho sự gắn bó đặc biệt, có tính lịch sử và văn hóa sâu sắc giữa Phật giáo và dân tộc[11].
Ở khu vực biên giới đất liền, các chùa như Chùa Tân Thanh (Lạng Sơn), Chùa Pác Bó (Cao Bằng) và nhiều chùa khác tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam cũng nằm trong mạch nguồn đó. Chúng vừa phục vụ đời sống tín ngưỡng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, vừa là những biểu tượng văn hóa, tâm linh khẳng định sự hiện diện và sức sống của quốc gia tại các vùng biên giới.
Bên cạnh vai trò biểu tượng, lịch sử và địa lý chiến lược, trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đặc biệt là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các ngôi chùa còn đóng vai trò thực tiễn, cụ thể và vô cùng quan trọng. Nhiều ngôi chùa đã trở thành những nơi trú ẩn an toàn, bí mật cho cán bộ cách mạng, chiến sĩ và nhân dân[12]. Vượt lên chức năng tôn giáo thông thường, các ngôi chùa là những hậu phương thầm lặng nhưng kiên cường: nơi cất giấu lương thực, vũ khí, tài liệu quan trọng; điểm liên lạc, hội họp bí mật; nơi sơ cứu, điều trị thương binh; thậm chí là nơi diễn ra các hoạt động tuyên truyền cách mạng hay in ấn tài liệu. Vai trò này được minh chứng sinh động qua hoạt động của nhiều ngôi chùa trên khắp cả nước.
Trong thời chiến là vậy, còn trong thời bình thì sao? Trong thời bình chùa chiền là những cơ sở phụng sự an sinh xã hội của Tăng Ni, Phật Tử, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân cả về dân trí lẫn dân sự. Không những vậy, trong đại dịch COVID-19 nhiều chùa đã trở thành khu cách li an toàn cho các bệnh nhân, cung cấp chỗ ở, suất ăn, và sự chăm sóc về y tế, tinh thần cho người dân cần cách ly. Tăng Ni, Phật tử cũng tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện, hỗ trợ vật chất (tiền, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế) cho các bệnh viện, khu cách ly và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong năm 2021 này, số tiền ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cứu trợ lũ lụt miền Trung…, công tác an sinh xã hội của toàn Giáo hội đạt trên 2.000 tỷ đồng[13]. Đây là một minh chứng cụ thể và gần gũi nhất cho thấy chùa chiền luôn đồng hành cùng đất nước trong mọi hoàn cảnh.
Như vậy, từ lịch sử đến hiện tại, qua danh xưng, lịch sử phát triển, vị trí địa lý và tình hình chính trị - xã hội của đất nước, chùa chiền Việt Nam đã và đang minh chứng cho vai trò không thể tách rời khỏi vận mệnh dân tộc. Chùa là những di sản vật thể và phi vật thể, biểu trưng cho ý chí độc lập, tinh thần tự cường, khát vọng hòa bình và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, khẳng định chủ quyền Tổ quốc qua các thời đại, đúng như câu thơ: “Mây phương đông vẫn lên ngàn, Ngôi chùa còn đó quê hương vẫn còn”.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
4. Phật giáo hiện đại góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế
Phật giáo Việt Nam hiện đại đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh quốc tế của Việt Nam bằng cách tích cực tham gia vào các mạng lưới Phật giáo toàn cầu, tổ chức các sự kiện quốc tế, quảng bá di sản văn hóa phong phú thông qua sự công nhận của UNESCO và hỗ trợ các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thể hiện một truyền thống tâm linh sống động và tích cực.
Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là thành viên của Liên hữu Phật giáo Thế giới và tích cực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia thuộc ASEAN, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, thúc đẩy quan hệ quốc tế và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Các tổ chức Phật giáo Việt Nam đã được thành lập ở nhiều quốc gia như Nga, Ukraina, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Đức, góp phần bảo tồn các truyền thống văn hóa và tôn giáo dân tộc, đồng thời giới thiệu chính sách tôn giáo của Việt Nam với thế giới.
GHPGVN cũng là thành viên tích cực của Hội nghị thế giới về hòa bình và tôn giáo, Hội nghị đối thoại tôn giáo Âu - Á được tổ chức tại Châu Mỹ, Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Hà Lan, Úc và Tây Ban Nha… nhằm tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo để tình hình chính trị, an sinh xã hội cũng như hòa bình trên thế giới ngày càng được củng cố[14].
GHPGVN đã đón tiếp nhiều đoàn đại biểu Phật giáo quốc tế về tham gia các hội nghị, lễ hội Phật giáo quốc tế tại Việt Nam. Việc 3 lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014, 2019 và sắp đến đây là 2025, với sự tham gia của hàng ngàn đại biểu quốc tế, đã mang lại sự công nhận toàn cầu cho Phật giáo Việt Nam và năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội.
Các mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới, thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa Phật giáo quốc tế của Việt Nam.
GHPGVN là thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế và tham gia các hội nghị toàn cầu cho thấy tầm ảnh hưởng quốc tế của Phật giáo Việt Nam. Việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới đến Phật giáo Việt Nam. Sự thành lập các tổ chức Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài và sự công nhận của UNESCO đối với các di sản văn hóa càng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
5. Phật giáo Việt Nam đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước
Phật giáo Việt Nam được ghi nhận có những đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước, thể hiện qua sự lồng ghép các nguyên tắc giáo lý vào ý thức trách nhiệm xã hội và môi trường. Phân tích giáo lý cho thấy các nguyên lý như duyên khởi nhấn mạnh mối liên hệ tương thuộc giữa vạn vật, bao gồm con người và môi trường tự nhiên, từ đó bồi dưỡng ý thức trách nhiệm đối với hệ sinh thái và xã hội. Lòng từ bi, một giá trị nền tảng của đạo đức Phật giáo, thể hiện qua giới “không sát sinh” mở rộng đến tất cả chúng sinh, thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với động vật.
Bên cạnh đó, triết lý sống từ bi “mang lại niềm vui, xóa bỏ khổ đau” đã tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều Tăng Ni và Phật tử tại Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật và người gặp thiên tai hạn ách, qua đó đóng góp thiết thực vào phúc lợi xã hội. Giáo lý Phật giáo còn đề cao bất bạo động, khuyến khích hòa bình và hòa hợp xã hội, những yếu tố nền tảng góp phần xây dựng một xã hội ổn định và gắn kết, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững số 16 của Liên Hợp Quốc về hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh[15].
Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về “bảo vệ và tái tạo môi trường thiên nhiên”. Với tinh thần Bát Chính Đạo - con đường tu tập hướng đến sự hiểu biết và hành động đúng đắn - nhiều cơ sở Phật giáo đã tích cực tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường, phản ánh các giá trị Phật giáo về vô hại và lối sống giản dị.
Các hoạt động này bao gồm trồng cây xanh, quản lý và xử lý chất thải, cũng như khuyến khích thực hành ăn chay. Một cuộc khảo sát được Viện Nghiên cứu Tôn giáo thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên vào năm 2014 đã minh chứng rõ ràng cho vấn đề này trong cộng đồng Phật tử, với 91,7% người trả lời cho biết đã từng được nghe giảng và khích lệ về bảo vệ môi trường[16].
Trên khắp ba miền đất nước, nhiều ngôi chùa đã trở thành những điểm sáng trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại miền Bắc, các chùa như chùa Dâu (Hưng Yên), chùa Phú Thọ (Phú Thọ), cùng hàng loạt chùa tại Hà Nội như chùa Trấn Quốc, chùa Báo Ân, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, chùa Pháp Vân và chùa Diên Phúc đã tham gia tích cực vào các chương trình trồng cây và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Tại miền Trung, các chùa Từ Đàm (Huế), chùa Bà Nà (Đà Nẵng), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), chùa Khải Đoan (Quảng Nam)... đã triển khai các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường đến du khách, tổ chức trồng cây, thu gom rác thải, xây dựng hồ sinh thái và hạn chế đốt vàng mã.
Ở các tỉnh, thành phía Nam, một số chùa tiêu biểu như Chùa Vĩnh Tràng (Cần Thơ), Chùa Giác Lâm, Chùa Linh Thứu, chùa Giác Ngộ (TP.HCM) và Chùa Bửu Long (Biên Hòa) đã áp dụng nhiều mô hình thiết thực như trồng cây, ủ rác hữu cơ, sử dụng hệ thống đèn năng lượng mặt trời, xây dựng nhà hàng chay sử dụng túi giấy/tự hủy, và thường xuyên tổ chức các buổi vệ sinh môi trường[17].
Tóm lại, Phật giáo Việt Nam hiện đại đang có những đóng góp tích cực và đa chiều vào sự phát triển bền vững của đất nước. Điều này thể hiện qua việc thấm nhuần và thực hành các nguyên tắc đạo đức môi trường bắt nguồn từ sự liên kết với lòng từ bi, thúc đẩy sự hòa hợp xã hội thông qua tinh thần hòa bình và bất bạo động, cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương. Những nỗ lực này cho thấy một cách tiếp cận toàn diện của Phật giáo trong việc đồng hành cùng sự tiến bộ và phát triển bền vững của quốc gia.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (sưu tầm).
6. Kết luận
Qua những phân tích như trên, chúng ta đã phần nào khám phá những khía cạnh tuyệt vời của Phật giáo, từ sự duy nhất của đức Phật, những phẩm chất quý báu trong giáo lý của Ngài, mối liên hệ sâu sắc giữa Phật giáo và vận mệnh dân tộc Việt Nam, đến những những đóng góp của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế và trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Vẻ đẹp của Phật giáo không chỉ nằm ở những triết lý sâu xa mà còn ở sự ảnh hưởng sâu rộng và tích cực đối với đời sống tinh thần và văn hóa của dân tộc ta qua bao thế hệ.
Trong bối cảnh thế giới hiện đại đầy biến động, những lời dạy của đức Phật về từ bi, trí tuệ, bất bạo động, vô thường và con đường giải thoát vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự. Có thể nói, Phật giáo là một tôn giáo, một hệ thống triết học, một lối sống hướng đến sự an lạc, hạnh phúc của con người và sự phát triển toàn diện của xã hội. Nguyện cầu ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Phật luôn soi đường dẫn lối cho tất cả chúng ta trên con đường tu tập và phụng sự, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hòa bình và thịnh vượng.
Chú thích:
[1] Thông điệp của đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Tăng ni, Phật tử nhân dịp đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) Phật lịch 2558 - Dương lịch 2014.
[2] Thích nữ Tịnh Quang. (2016). Đại cương tư tưởng Phật giáo. Buddhist Nun Association in California Publishes, tr.6.
[3] Brown, K. S. (2003). Life of the Buddha. In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art
[4] Mahāthera, N., Phạm Kim Khánh dịch. (2019). Đức Phật và Phật pháp. Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.20-21.
[5] Thái Văn Anh. (2018). Niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Hồng Đức, tr.70.
[6] Thích Minh Châu (dịch). (1991). Kinh Tương Ưng 5 Đại phẩm. Chương III Tương Ưng Niệm Xứ I. Phẩm Ambapàli. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo, tr.240.
[7] De Silva, P. (2005). An Introduction To Buddhist Psychology. Palgrave Macmillan, New York, tr.107.
[8] Thích Minh Châu (dịch). (2015). Kinh Tăng chi bộ, tập 2. Chương 6 pháp, V. Phẩm Dhammika. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo.
[9] Lê Mạnh Thát. (2003). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1. Nxb TP.HCM, tr.29-31.
[10] Nguyễn Lang. (1992). Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3. Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.21.
[11] Lê Minh Khánh. (2012). Những ngôi chùa ở Trường Sa - dấu ấn của Phật giáo Việt Nam ở Biến Đông. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 06, tr.47-49.
[12] Viện Nghiên cứ Tôn giáo. (2022). Tài liệu bộ sách kiến thức cơ bản về Tôn giáo ở Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.8.
[13] Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2021, thông qua chương trình hoạt động Phật sự năm 2022 tại Hội nghị kỳ 6 khóa VIII Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN.
[14] Bach Thien. (2013, July 30). The international activities of the Vietnam Buddhist Sangha. Vietnam Government Committee for Religious Affairs. https://religion.vn/international/the-international-activities-of-the-vietnam-buddhist-sangha-post3vaZEpDRNG.html
[15] United Nations. (2016). Sustainable development goals. Truy cập từ http://www.un.org/sustainabledevelopment/
sustainable-development-goals.
[16] Viện Nghiên cứu Tôn giáo. (2014). Báo cáo kết quả cuối cùng xử lý dữ liệu điều tra của đề tài Các vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Văn bản của Viện Nghiên cứu Tôn giáo
[17] Nguyen Van Thanh, Nguyen Thuy Thom. (2024). The roles of Buddhism in environmental protection in Vietnam these days. ISRG Journal of Arts, Humanities and Social Sciences, 2(5), 315–322. https://doi.org/10.5281/zenodo.13901714.
Tài liệu tham khảo
1. Thái Văn Anh. (2018). Niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Hồng Đức.
2. Brown, K. S. (2003). Life of the Buddha. In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art.
3. Thích Minh Châu (dịch). (1991). Kinh Tương Ưng 5 Đại phẩm. Chương III Tương Ưng Niệm Xứ I. Phẩm Ambapàli. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo.
4. Thích Minh Châu (dịch). (2015). Kinh Tăng chi bộ, tập 2. Chương 6 pháp, V. Phẩm Dhammika. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. Nxb Tôn giáo.
5. De Silva, P. (2005). An Introduction To Buddhist Psychology. Palgrave Macmillan, New York.
6. Lê Minh Khánh. (2012). Những ngôi chùa ở Trường Sa - dấu ấn của Phật giáo Việt Nam ở Biến Đông. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 06, tr.47-49.
7. Nguyễn Lang. (1992). Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3. Nxb Văn hóa, Hà Nội.
8. Mahāthera, N., Phạm Kim Khánh dịch. (2019). Đức Phật và Phật pháp. Nxb Tổng hợp TP.HCM.
9. Thích nữ Tịnh Quang. (2016). Đại cương tư tưởng Phật giáo. Buddhist Nun Association in California Publishes.
10. Nguyen Van Thanh, Nguyen Thuy Thom. (2024). The roles of Buddhism in environmental protection in Vietnam these days. ISRG Journal of Arts, Humanities and Social Sciences, 2(5), 315–322. https://doi.org/10.5281/zenodo.13901714.
11. Lê Mạnh Thát. (2003). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1. NxbHCM.
12. Bach Thien. (2013, July 30). The international activities of the Vietnam Buddhist Sangha. Vietnam Government Committee for Religious Affairs. https://religion.vn/international/the-international-activities-of-the-vietnam-buddhist-sangha-post3vaZEpDRNG.html
13. United Nations. (2016). Sustainable development goals. Truy cập từ http://www.un.org/sustainabledevelopment/ sustainable-development-goals.
14. Viện Nghiên cứ Tôn giáo. (2022). Tài liệu bộ sách kiến thức cơ bản về Tôn giáo ở Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
15. Viện Nghiên cứu Tôn giáo. (2014). Báo cáo kết quả cuối cùng xử lý dữ liệu điều tra của đề tài Các vấn đề tôn giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Văn bản của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.