Chuyện gì đang xảy ra với chính trường Pháp

Chính quyền Thủ tướng Michel Barnier đang ở thế 'chỉ mành treo chuông' sau khi thông qua dự luật ngân sách mới, làm dấy lên sự phản đối từ các chính trị gia ở cả 2 cánh tả hữu.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với khả năng đẩy nước Pháp vào tình thế ngặt nghèo: chính phủ vừa không thể hoạt động vừa không có ngân sách khi bước vào năm 2025, theo New York Times.

Điều này không đồng nghĩa với việc nước Pháp đang trượt dài trên một cuộc khủng hoảng hiến pháp hay chính phủ phải đóng cửa - điều từng xảy ra với chính phủ Mỹ.

Hiến pháp của Pháp bao gồm một số kịch bản có thể giúp duy trì sự trật tự và ổn định của đất nước. Các thể chế của Pháp tương đối mạnh và luật pháp nước này giúp đảm bảo sự vận hành liên tục khi không có chính phủ và ngân sách.

Tuy nhiên, tình cảnh hiện tại mà chính quyền Thủ tướng Barnier phải đối mặt cũng kéo theo những hệ lụy nhất định, đơn cử như việc các nhà đầu tư đang tìm cách bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của Pháp do sự biến động về mặt chính trị, kéo theo sự gia tăng của lãi suất cho vay.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ông Barnier được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp vào tháng 9. Quyết định của Tổng thống Macron đã làm dư luận cánh tả dậy sóng khi ông chọn bổ nhiệm ông Barnier thuộc phe cánh hữu trung dung thay vì một chính trị gia từ liên minh cánh tả, vốn giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử.

Kể từ đó, Thủ tướng Barnier được cho là đã sống trong "địa ngục Matignon", cụm từ được các nhà bình luận chính trị trong nhiều thế hệ sử dụng để mô tả những khó khăn khi điều hành Dinh thự Matignon, dinh chính thức của thủ tướng Pháp, vị trí sở hữu một số ảnh hưởng song không có quyền lực tuyệt đối.

 Dù mới chỉ được Tổng thống Macron bổ nhiệm cách đây 3 tháng, Thủ tướng Barnier và chính quyền của ông đang trên bờ vực sụp đổ. Ảnh: Shutterstock.

Dù mới chỉ được Tổng thống Macron bổ nhiệm cách đây 3 tháng, Thủ tướng Barnier và chính quyền của ông đang trên bờ vực sụp đổ. Ảnh: Shutterstock.

Vào ngày 2/12 (giờ địa phương), ông Barnier đã thúc đẩy một dự luận ngân sách thông qua Hạ viện mà không tiến hành bỏ phiếu.

Động thái này bị đánh giá là một nước đi rủi ro và đã khiến cả hai đảng cánh tả của Pháp lẫn đảng Mặt trận Quốc gia Pháp của nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đệ trình tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính quyền Thủ tướng Barnier.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm được thực hiện bởi thành viên cơ quan lập pháp của một quốc gia, nhằm xác định liệu chính phủ cầm quyền đủ độ tín nhiệm để tiếp tục điều hành đất nước hay không.

Tương lai của Thủ tướng Barnier và dàn nội các của ông, những người vừa mới được Tổng thống Macron bổ nhiệm 3 tháng trước, giờ đây như "chỉ mành treo chuông".

Tương lai nước Pháp

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến diễn ra vào ngày 4/12 theo giờ địa phương và nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Trong kịch bản đó, Thủ tướng Barnier sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài từ chức và chính phủ sẽ chuyển sang chế độ tạm quyền.

Chính phủ trước đây của ông Macron cũng đã chuyển sang chế độ tạm quyền từ tháng 7 đến tháng 9. Chính phủ được trao quyền theo Hiến pháp để giải quyết "các vấn đề tức thời" nhưng bị hạn chế về mặt quyền hạn.

Các văn bản pháp lý không nêu chính xác và chi tiết những giới hạn đó là gì, song các nhà tư pháp của Pháp nhất trí rằng một chính phủ lâm thời không thể đề xuất luật mới hoặc ban hành các sắc lệnh mới.

Tuy nhiên, chính phủ lâm thời có thể giải quyết các công việc cần kíp như trả lương cho người lao động và phân phối lương hưu. Nội các cũng sẽ không họp nữa.

Tổng thống Macron một lần nữa sẽ có quyền định đoạt việc bổ nhiệm tân thủ tướng. Ông sẽ có thời gian để cân nhắc và toàn quyền chọn ra bất kỳ ai ông thấy phù hợp để làm thủ tướng, không nhất thiết phải là người của đảng đa số trong Quốc hội.

 Thủ tướng Pháp Barnier đối thoại với đảng Mặt trận Quốc gia Pháp hôm 2/12. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Pháp Barnier đối thoại với đảng Mặt trận Quốc gia Pháp hôm 2/12. Ảnh: Reuters.

Khác với tình trạng chính phủ, ngân sách quốc gia của Pháp sẽ rơi vào trạng thái lấp lửng. Khi chính phủ không hoạt động, ngân sách do ông Barnier đề xuất, với khoảng 60 tỷ USD tiền thuế gia tăng và các khoản cắt giảm chi tiêu, sẽ đi vào bế tắc, theo New York Times.

Nếu Tổng thống Macron bổ nhiệm thủ tướng mới trước khi kết thúc năm 2024, một ngân sách chính phủ mới có thể được đệ trình và Quốc hội sẽ có 70 ngày để xem xét.

Nhưng điều đó vẫn có nghĩa là Pháp sẽ không có luật chi tiêu vào năm mới. Theo luật của Pháp, chính phủ có thể chỉ cần đề xuất một "biện pháp đặc biệt" áp dụng lại ngân sách năm 2024, trước ngày 19/12. Các công chức sẽ được trả lương và thuế sẽ vẫn ở mức hiện tại.

Nếu Quốc hội từ chối thông qua hoặc không bỏ phiếu, ông Macron có thể viện dẫn quyền hạn hiến pháp đặc biệt của mình và chỉ cần áp đặt một ngân sách theo ý ông.

 Tổng thống Pháp Macron sẽ toàn quyền chọn thủ tướng mới nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được thông qua. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Pháp Macron sẽ toàn quyền chọn thủ tướng mới nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được thông qua. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, các nhà tư pháp cho rằng hậu quả chính trị của một động thái chưa được kiểm chứng như vậy có thể sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh tổng thống Pháp bị cho là đang không tôn trọng tiếng nói của cử tri, theo New York Times.

Theo Hiến pháp Pháp, ông Macron sẽ vẫn giữ chức tổng thống cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027. Dẫu vậy, vị thế của ông Macron được cho là sẽ tiếp tục giảm sút.

Một số chính trị gia ở cả hai cánh của Pháp đã kêu gọi ông Macron từ chức song nhà lãnh đạo 46 tuổi đã phớt lờ những lời chỉ trích này. Sau khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc, ông Macron sẽ không thể tranh cử tiếp.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-chinh-truong-phap-post1515542.html
Zalo