Pháp lý và tình người trong hành trình giải quyết vụ cấp dưỡng của nữ Chấp hành viên Tống Thị Ngọc Nga
Giữa muôn vàn khó khăn của huyện vùng cao Yên Minh, Hà Giang, bằng sự tận tâm, thấu hiểu và vận dụng khéo léo pháp luật lẫn tình người, Chấp hành viên Tống Thị Ngọc Nga, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Yên Minh, Hà Giang đã vượt qua nhiều thách thức, giải quyết thấu tình đạt lý vụ án cấp dưỡng con phức tạp, đảm bảo quyền lợi và sự đồng thuận của các bên .

Công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang từ năm 2006, Chấp hành viên Tống Thị Ngọc Nga đã nếm trải đủ những đắng cay ngọt bùi của nghề, đặc biệt khi phải đối mặt với những vụ việc hôn nhân gia đình thấm đẫm cảm xúc và những hoàn cảnh éo le nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi hồ sơ không chỉ là những trang giấy pháp lý mà còn là nỗi niềm, là những trăn trở của người cán bộ tâm huyết mong muốn thực thi công lý sao cho "thấu tình, đạt lý".

Yên Minh là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang có địa hình hiểm trở với 18 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Yên Minh, một huyện vùng cao biên giới có địa hình hiểm trở với những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ xen lẫn những thung lũng sâu. Nơi đây có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn và trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật chưa đồng đều. Cộng với mùa đông rét buốt kéo dài, thiếu nước, giao thông cách trở bởi sạt lở thường xuyên. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và các tập quán lâu đời, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 80% trong số những người phải thi hành án. Chính những đặc thù này đã đặt lên vai Chấp hành viên Tống Thị Ngọc Nga và các đồng nghiệp những thách thức không nhỏ.
Từ quyết định thi hành án đến những trăn trở thực tế
Ngày 26/10/2021, chị Nga được phân công giải quyết một vụ việc điển hình cho những khó khăn ấy đó là thi hành quyết định cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn giữa anh Cháng Mí Pó và chị Sính Thị Chúa.
Anh Pó có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ba con chung (cháu Pà sinh năm 2014, Ly sinh năm 2017, Chai sinh năm 2018) với số tiền 1.500.000 đồng mỗi tháng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
"Với mức cấp dưỡng này, có lẽ đồng nghiệp ở miền xuôi sẽ thấy không quá phức tạp. Nhưng ở Yên Minh, nơi người dân không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, thì đây thực sự là một bài toán khó," chị Nga chia sẻ.
Theo quy trình, nếu xác minh người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập, cơ quan THADS có thể ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành. "Lý là vậy, nhưng tình thì khác. Người được thi hành án, những người mẹ dân tộc thiểu số lam lũ, họ đâu dễ chấp nhận khái niệm “chưa có điều kiện”. Ngày ngày họ lên cơ quan, bày tỏ bức xúc, yêu cầu anh Pó phải trả tiền, không thì chia đất, chia trâu... Đó chính là nỗi niềm canh cánh trong tôi”, chị Nga nói thêm.
Thấu hiểu, động viên và tìm lối đi cho người trong cuộc
Xác minh thực tế cho thấy anh Pó đúng là chưa có khả năng thi hành án. Chị Nga đã làm đúng thủ tục, ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Nhưng công việc của chị không dừng lại ở đó.
Bằng sự đồng cảm, chị tìm gặp anh Pó, lắng nghe tâm sự của người cha trẻ: "Chị ơi, vợ em đi làm công ty, bỏ con cho bà ngoại già yếu. Các cháu ăn khoai trừ bữa, trời lạnh đi chân đất, em xót lắm, muốn đón con về nuôi."
Nghe những lời gan ruột ấy, chị Nga không khỏi "nghẹn ngào, rưng rưng muốn khóc", nhưng vẫn cố nén lòng để giải thích cặn kẽ: Muốn nuôi con, anh phải chứng minh được khả năng kinh tế, trước hết là thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Lời khuyên chân tình của nữ chấp hành viên đã chạm đến trái tim người cha. Anh Pó quyết tâm xuống thành phố học nghề cắt tóc, rồi trở về xã Sủng Cháng mở một tiệm nhỏ. Dần dà, anh có thu nhập và bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con đến hết năm 2024.
Những nút thắt mới và hành trình gỡ rối đầy kiên trì
Tưởng chừng vụ việc đã có lối ra, thì những ngóc ngách phức tạp của cuộc sống lại tiếp tục thử thách người cán bộ thi hành án. Chị Chúa - người mẹ vẫn giữ ý định nếu không được chia đất, chia trâu thì sẽ không để anh Pó nuôi con, bởi chị cũng không có đất canh tác để nuôi các cháu. Cùng lúc đó, anh Pó có người yêu mới và người này đang mang thai, khiến anh lại một lần nữa cảm thấy gánh nặng tài chính.
"Lúc này, tôi thực sự suy nghĩ rất nhiều, làm sao để vừa đảm bảo thi hành án đúng pháp luật, vừa giúp cả hai bên đều thuận tình, để các cháu được chăm sóc đầy đủ và vụ việc được giải quyết dứt điểm”, chị Nga bộc bạch.
Không quản ngại khó khăn, chị Nga lại tiếp tục hành trình "xuống cơ sở". Lần này, chị phối hợp cùng đồng chí Chu - Trưởng công an xã Sủng Thài, người am hiểu tiếng nói, phong tục và có uy tín với bà con. Trong hai ngày ròng rã, bằng sự kiên trì và khéo léo, chị Nga và đồng chí Chu đã tỉ tê phân tích, động viên anh Pó và người yêu mới. Chị khuyên họ sớm đăng ký kết hôn, đồng thời chỉ ra rằng người vợ mới với gánh nặng con thơ sắp tới sẽ khó lòng chu toàn việc chăm sóc con riêng của chồng.
Sau nhiều giờ thuyết phục, anh Pó đồng ý để các con tiếp tục ở với mẹ. Nút thắt còn lại là làm sao để chị Chúa có điều kiện nuôi con. Nắm bắt được việc anh Pó không có nhà đất, chị Nga và đồng chí Chu tiếp tục vận động gia đình anh Pó (gồm mẹ và anh trai) chia cho chị Chúa một phần đất đồi để canh tác, coi như thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần cho các con đến khi trưởng thành.

Đồng chí Chu - Trưởng Công an xã Sủng Thài ký biên bản chứng kiến việc hai bên tự nguyện giao đất (đối trừ thành tiền cấp dưỡng nuôi con) đến năm 18 tuổi.
Cuối cùng, sự chân thành và những lý lẽ hợp tình của nữ chấp hành viên đã lay động được gia đình anh Pó, họ đồng ý chia đất. Anh Sính Mí Tỏa (anh trai chị Chúa, người được ủy quyền) và gia đình chị Chúa vui vẻ nhận phần đất ấy. Hai bên gia đình bắt tay trong không khí hòa thuận, cùng nhìn về tương lai của con em. Anh Pó cũng được tạo điều kiện thăm nom, gần gũi các con.

Chấp hành viên Tống Thị Ngọc Nga và người được thi hành án (bên trái), người phải thi hành án (đứng giữa) bắt tay nhau vui vẻ sau khi bàn giao đất xong.
Nhìn lại hành trình gian nan ấy, Chấp hành viên Tống Thị Ngọc Nga tâm sự: "Thi hành án không chỉ là những quy định pháp luật khô khan. Đó là cả một nghệ thuật thấu hiểu, sẻ chia và thuyết phục. Mỗi vụ việc thành công, nhất là những vụ án hôn nhân gia đình, không chỉ là bản án được thi hành, mà còn là những xung đột được hóa giải, những tổn thương được xoa dịu. Đó chính là niềm vui, là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề, với bà con nơi vùng cao còn nhiều gian khó này."