Pháp chuẩn bị bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Barnier
Ngày 4/12, chính trường Pháp bước vào giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier.
Nếu kết quả này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn sáu thập kỷ một thủ tướng Pháp bị Quốc hội buộc từ chức, đồng thời khiến chính phủ của ông Barnier trở thành chính phủ tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia này, với chưa đầy ba tháng cầm quyền.
Tình hình này không chỉ dừng lại ở những hệ quả chính trị trong nước, mà còn gây lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế Pháp và sự ổn định của Liên minh châu Âu, nhất là khi Đức cũng đang đối mặt với các vấn đề nội bộ. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình vào tối ngày 3/12, ông Barnier đã bày tỏ hy vọng có thể vượt qua thách thức, nhấn mạnh tính nghiêm trọng của tình hình hiện tại. Tuy nhiên, các dấu hiệu từ Quốc hội cho thấy triển vọng tích cực là rất mong manh. Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), dưới sự lãnh đạo của ông Jordan Bardella đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Khi kết hợp với liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới, khả năng đạt đủ đa số phiếu thông qua nghị quyết bất tín nhiệm là rất cao.
Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ dự thảo ngân sách do ông Barnier đề xuất nhằm giảm thâm hụt tài chính lớn của Pháp. Dự thảo này bao gồm các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu với tổng giá trị lên tới 60 tỷ euro. Để tránh thất bại tại Quốc hội, ông Barnier đã kích hoạt Điều 49.3 trong Hiến pháp Pháp, cho phép thông qua ngân sách mà không cần bỏ phiếu. Tuy nhiên, động thái này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ cả các đảng đối lập và dư luận, khi họ cho rằng đây là biểu hiện của sự coi thường vai trò giám sát của Quốc hội.
Xem video Thủ tướng Michel Barnier trong một phiên họp Quốc hội Pháp và quang cảnh hội trường nhà Quốc hội trước giờ bỏ phiếu. Nguồn: Reuters.
Phe cực hữu chỉ trích chính phủ của ông Barnier là "nguy hiểm cho đất nước", trong khi cánh tả lên án các chính sách kinh tế mà họ cho là "thắt lưng buộc bụng" và thiếu sự đối thoại cần thiết. Trong trường hợp chính phủ bị bất tín nhiệm, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc bổ nhiệm một thủ tướng mới, đồng thời tìm cách giải quyết tình trạng bế tắc tại Quốc hội. Sự phân hóa sâu sắc giữa các khối chính trị trong Quốc hội, gồm liên minh cánh tả, phe cực hữu RN và các đồng minh trung dung của Tổng thống Macron đang khiến tình hình thêm phức tạp.
Những bất ổn chính trị kéo dài có nguy cơ làm gia tăng thêm khó khăn về kinh tế. Thị trường tài chính Pháp đã ghi nhận những tín hiệu tiêu cực, với chỉ số CAC 40 giảm gần 10% kể từ tháng 6. Nếu không có chính phủ mới, Pháp có thể phải dựa vào các cơ chế tạm thời để duy trì ngân sách và hoạt động chi tiêu công dẫn đến nguy cơ gia tăng thâm hụt tài chính trong tương lai gần.
Tình trạng bất ổn tại Pháp cũng gây lo ngại trên trường quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang suy yếu, các diễn biến chính trị tại Pháp làm gia tăng thêm áp lực đối với sự ổn định của Liên minh châu Âu. Đồng thời, sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khiến môi trường quốc tế trở nên khó đoán định hơn, đặt thêm thách thức cho các mối quan hệ đa phương trong khu vực.
Trong khi tiếp tục nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp thay đổi ý định, ông Barnier đối mặt với triển vọng ngày càng mờ mịt. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào chiều cùng ngày không chỉ quyết định số phận của chính phủ hiện tại, mà còn định hình con đường chính trị của nước Pháp trong những năm tới. Kết quả sẽ là thước đo cho khả năng ứng phó của quốc gia này trước những thách thức về chính trị, kinh tế và xã hội đang ngày càng lớn.