Pháp: Chính phủ mới, 'con đường mới' của ông Macron

Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex sớm công bố thành phần nội các chính phủ mới để giúp Tổng thống Emmanuel Macron dọn lại con đường đi đến cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào năm 2022, trong khi ông phải đối mặt với 'Làn sóng Xanh' trên chính trường sau cuộc bầu cử chính quyền địa phương cuối tháng 6 vừa qua.

Ông Jean Castex được Điện Elysee thông báo là tân Thủ tướng Pháp thay thế ông Edouard Philippe hôm 3-7, tức khoảng một tuần sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại thành phố cảng quan trọng Le Havre ở vùng Normandy, miền Bắc nước Pháp.

Giới phân tích khi đó nói rằng, với đà uy tín đang lên, việc giành chiến thắng trong bầu cử không có gì quá khó đối với Philippe. Người ta dự đoán rằng ông sẽ phải rời khỏi vị trí Thủ tướng để đến nhận chức Thị trưởng Le Havre nhằm giúp đảng Nền Cộng hòa tiến lên (LREM) của Tổng thống Macron giữ lại một trong những địa phương quan trọng bậc nhất.

Tuy nhiên, đằng sau cuộc luân chuyển đó không đơn thuần là bảo vệ ưu thế của đảng cầm quyền mà còn có những “góc khuất” chính trị. Đà uy tín đang lên của Philippe được minh chứng cụ thể bằng những con số: Kết quả thăm dò ý kiến cử tri công bố hồi đầu tháng 7 đã cho ông Philippe 51% phiếu, hơn Tổng thống Macron đến 7 điểm phần trăm. Tỉ lệ này được các nhà tổ chức thăm dò đánh giá rất cao bởi nó là cú nhảy vọt của ông Philippe kể từ đầu đại dịch COVID-19.

Tân Thủ tướng Jean Castex.

Tân Thủ tướng Jean Castex.

Philippe năm nay 50 tuổi, được ông Macron bổ nhiệm làm thủ tướng sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, còn đảng LREM của ông cũng chiếm thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội. Vào thời điểm đó, ông Philippe là người của đảng Những người Cộng hòa (Les Republicains, LR) nhưng sau đó ông đã rời khỏi đảng này tuy chưa bao giờ chịu gia nhập đảng LREM, từ đó khiến quan hệ với Điện Elysee trở nên căng thẳng. Nhưng, sau 3 năm phục vụ trong chính quyền của ông Macron, Philippe đã lập nhiều “công” hơn “tội”.

Vào lúc cơn khủng hoảng COVID-19 lên cao điểm, chính Philippe là người đã lãnh trách nhiệm đứng ra thông tin chi tiết, dẫn dắt chiến lược giúp nước Pháp vượt qua đại dịch, còn ông Macron là tổng chỉ huy, phục trách toàn cục hơn. Trong các cuộc họp báo, chính phong cách chừng mực, điềm tĩnh, khéo léo của vị thủ tướng đã nhận được sự tán thưởng lớn khi ông lý giải và minh chứng cụ thể cho các quy định phong tỏa, giãn cách xã hội và một loạt biện pháp nghiêm ngặt khác khiến nhiều người dân Pháp dù không đồng tình cũng phải chấp nhận. Nhờ đó, uy tín, sự ủng hộ dành cho ông Philippe tăng lên trong khi uy tín của ông Macron có phần đi xuống do nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả COVID-19. Chính điều này khiến dư luận “đồn” có thể ông Macron đã đẩy ông Philippe đi vì không muốn bị thủ tướng “che khuất tầm nhìn”.

Có ý kiến còn cho rằng, chính ông Philippe cũng muốn ra đi để tự xây dựng cho mình một căn cứ chính trị riêng nhằm chuẩn bị cho cuộc “so tài” với chính Tổng thống Macron vào năm 2022. Nếu đây là sự thật thì ông Macron sẽ phải đối mặt với không chỉ “Làn sóng Xanh” và đảng cực hữu của bà Marine Le Pen.

Giới phân tích cho rằng việc để ông Philippe ra đi và thay thế bằng Castex là một canh bạc có phần mạo hiểm của ông Macron nhưng giữ ông Philippe lại cũng thể hiện tổng thống quá “nhu nhược” nên không dám để cho thủ tướng ra đi. Nhà phân tích Jerome Fourquet của Viện Thăm dò dư luận Ifop thì khẳng định vứt bỏ Thủ tướng Philippe là hành động kém khôn ngoan của ông Macron. Fourquet cho rằng cái khó của Macron là ở chỗ Philippe không chỉ có uy tín cao mà còn khó thay thế và là một đối thủ tiềm tàng.

Vậy thì tân Thủ tướng Castex sẽ giúp được gì cho Tổng thống Macron để dọn con đường đi đến năm 2022? Trước mắt, Castex sẽ giúp Macron tiến hành một cuộc “thay máu” gần như toàn bộ Chính phủ Pháp, bởi hầu hết các vị trí bộ trưởng quan trọng nhất đều phải ra đi, thay bằng “những gương mặt mới, những tài năng mới”. Trong số các bộ trưởng phải ra đi, đầu tiên kể đến Bộ trưởng Nội vụ gây tranh cãi Christophe Castaner, kế đến là Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Môi trường Elisabeth Borne, người từ Bộ Giao thông chuyển sang vừa tròn 1 năm.

Việc “thay máu” phần lớn nội các chính phủ được xem như nỗ lực cuối cùng của ông Macron sau khi hầu hết những nỗ lực của ông kể từ khi lên nắm quyền nhằm tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư và “khoan sức” cho giới công nhân, thợ thuyền đều đã bị vùi dập trong khủng hoảng liên tiếp hết lần này đến lần khác, hết bị giới hưu trí phản đối rồi lại đến “Áo ghi-lê vàng” gây hỗn loạn trên các đường phố và nghiêm trọng nhất là đại dịch COVID-19 vừa quét qua, tuy có thuyên giảm nhưng vẫn chưa thể mở cửa đất nước hoàn toàn. Đối diện những thách thức mới, Macron được cho là muốn tự tay mình điều hành công việc hằng ngày của đất nước trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên.

Giới phân tích cho rằng, Castex được ông Macron kỳ vọng là sẽ tạo được kết nối với các tầng lớp dân thường, sẽ được xem như “tổng quản và là Chánh Văn phòng Tổng thống trên thực tế” hơn là thủ tướng của nền Cộng hòa, còn Tổng thống Macron sẽ nắm quyền điều hành trực tiếp chính phủ.

Nhiều cử tri ở cánh tả cảm thấy Tổng thống Macron của họ vốn từng tuyên bố xây dựng nền chính trị “không tả, không hữu”, đang trôi dần về phía hữu, cho nên họn chán nản và bỏ đi. Vì vậy, Macron muốn tự tay mình gây tạo lại những thành tích mới bằng những nỗ lực mới nhằm lôi kéo trở lại những cử tri đã bỏ đi, nhất là để có cái gì đó “trình làng” tại kỳ bầu cử năm 2022.

“Ông Macron đã đi qua 60% thời gian của nhiệm kỳ. Hiện còn lại rất ít thời gian để chuyển đối các chính sách thành những kết quả cụ thể trong đời sống thực tế của người dân” - nhận xét của chuyên gia Bruno Coutres tại tổ chức nghiên cứu Cevipof.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/phap-chinh-phu-moi-con-duong-moi-cua-ong-macron-603116/
Zalo