Pháp chấm dứt kiểm soát một căn cứ tại Bờ Biển Ngà, bàn giao cho chủ nhà

Ngày 20/2, Pháp chính thức bàn giao quyền kiểm soát trại lính Port-Bouët của Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến số 43 (BIMA), căn cứ quân sự cuối cùng của nước này tại Bờ Biển Ngà cho chính quyền sở tại.

Binh lính Pháp và Bờ Biển Ngà thực hiện nghi lễ bàn giao chính thức quyền kiểm soát trại quân sự Port-Bouët ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, vào ngày 20/2. (Nguồn: THX)

Binh lính Pháp và Bờ Biển Ngà thực hiện nghi lễ bàn giao chính thức quyền kiểm soát trại quân sự Port-Bouët ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, vào ngày 20/2. (Nguồn: THX)

Theo hãng tin Tân Hoa xã, buổi lễ với nghi thức đổi gác đã đánh dấu việc chuyển giao trách nhiệm an ninh cho quân đội Bờ Biển Ngà. Đồng thời, căn cứ này sẽ được đổi tên theo tên của cố Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội Bờ Biển Ngà, tướng Thomas d'Aquin Ouattara.

Khoảng 1.000 lính Pháp đã được triển khai trước đó tại Port-Bouët để hỗ trợ việc chống lại lực lượng thánh chiến ở nước sở tại và khu vực sẽ rút dần trong suốt năm 2025.

Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cho biết: "Pháp đang chuyển đổi sự hiện diện của mình, chứ không phải biến mất", lưu ý rằng khoảng 80 quân nhân nước này sẽ tiếp tục ở lại Bờ Biển Ngà để cố vấn và huấn luyện quân đội quốc gia sở tại.

Các thỏa thuận hợp tác quân sự mới đã được ký kết tại buổi lễ giữa hai nước, trong đó hai bên đều nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai nước vẫn nồng ấm.

Bộ trưởng Quốc phòng Bờ Biển Ngà Tene Birahima Ouattara cho biết: "Đạo luật này đánh dấu kỷ nguyên mới trong tình hữu nghị và hợp tác chiến lược giữa hai nước... Những thay đổi về địa chính trị và những thách thức an ninh hiện tại trên lục địa này sẽ định hướng cho thiện chí chung của chúng ta trong việc thúc đẩy an ninh chung vì sự ổn định khu vực bền vững".

Cảm ơn Pháp vì "sự ủng hộ và tin tưởng thể hiện trong quá trình tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang Bờ Biển Ngà", ông Ouattara nhắc lại cam kết của quốc gia Tây Phi trong việc tiếp tục hợp tác "chiến lược" này.

Trong những năm gần đây, một loạt các quốc gia Tây Phi đã yêu cầu Pháp rút hiện diện quân sự, bao gồm Niger, Burkina Faso, Senegal và Chad, nơi từng được coi là đối tác ổn định và trung thành nhất của Paris tại châu Phi.

Chính phủ Pháp nỗ lực khôi phục ảnh hưởng chính trị và quân sự đang suy yếu của mình trên lục địa này bằng cách đưa ra một chiến lược quân sự mới.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-cham-dut-kiem-soat-mot-can-cu-tai-bo-bien-nga-ban-giao-cho-chu-nha-305066.html
Zalo