Pháp-Ba Lan ký hiệp ước mới: Tham vọng 'ông lớn'
Quan hệ Pháp-Ba Lan đang có bước ngoặt với việc ký kết hiệp ước bảo đảm an ninh chung vào ngày hôm nay, 9/5 tại Nancy, Đông Bắc nước Pháp. Thỏa thuận này sẽ thay thế hiệp ước hiện có được ký kết giữa hai nước vào đầu những năm 1990.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Warsaw ngày 12/12/2024. Hai nhà lãnh đạo dự kiến ký kết hiệp ước quốc phòng mới vào Ngày châu Âu 9/5. (Nguồn: AP)
Đây là lần đầu tiên Pháp ký “hiệp ước cao cấp” như vậy với một quốc gia không giáp biên giới, cho phép nâng tầm quan hệ Paris - Warsaw lên ngang bằng với các đối tác lớn trong Liên minh châu Âu (EU) mà Pháp đang gắn kết là Đức, Tây Ban Nha và Italy.
Đúng là những biến động an ninh ở châu Âu thời gian gần đây cùng việc Mỹ giảm cam kết an ninh khiến các nước trong khu vực này đều phải điều chỉnh chính sách. Tuy nhiên, đằng sau việc xích lại với Paris là tham vọng của Warsaw vươn tầm ảnh hưởng, trở thành “ông lớn” trong khu vực.
Với 200.000 binh sĩ, Ba Lan hiện có đội quân lớn thứ ba trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Với kế hoạch tăng quy mô của lực lượng vũ trang lên nửa triệu người và nâng ngân sách quốc phòng lên 4,7% GDP, tiềm lực quốc phòng của Ba Lan sẽ vượt lên một tầm mới.
Chưa dừng ở đó, tháng Ba vừa rồi, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng, Ba Lan nên tìm cách tiếp cận những năng lực tiên tiến nhất, kể cả năng lực về vũ khí hạt nhân và vũ khí phi truyền thống hiện đại. Trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Paris sẵn sàng mở rộng “chiếc ô” hạt nhân cho các đồng minh châu Âu, việc Warsaw nhanh chóng tìm đến Paris là điều dễ hiểu.
Với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, Pháp là một trong ba thành viên NATO, cùng với Mỹ và Anh, có khả năng răn đe mạnh mẽ. Pháp cũng là thành viên duy nhất của EU có vũ khí hạt nhân. Cùng với thỏa thuận an ninh mới, lại được Paris bật đèn xanh cho cùng chung “chiếc ô” hạt nhân, Ba Lan đã tiến một bước quan trọng đến mục tiêu trở thành “ông lớn” trong khu vực.