Hàm ý địa chính trị từ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc

Chuyến thăm 4 ngày của Chủ tịch Trung Quốc tới Moskva tái khẳng định quan hệ 'không giới hạn' với Nga, giữa lúc Mỹ siết thuế và tình hình Ukraine vẫn căng thẳng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Văn phòng Báo chí và Thông tin Tổng thống Nga/TASS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Văn phòng Báo chí và Thông tin Tổng thống Nga/TASS

Chuyến thăm kéo dài 4 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moskva (từ ngày 7 - 10/5) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ chiến lược Nga - Trung, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ và phương Tây về trật tự thế giới đa cực đang hình thành.

Theo Bloomberg, chuyến thăm của ông Tập diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế chưa từng có đối với Trung Quốc và có những động thái tiếp cận nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin nhằm làm trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine. Mục đích chính của chuyến thăm là để khẳng định rằng sự cải thiện gần đây trong quan hệ Mỹ - Nga không ảnh hưởng đến quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moskva.

Alexander Gabuyev, Giám đốc Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu, nhận định: "Vấn đề chính trong chương trình nghị sự là những cơ hội nào hiện có và cách phối hợp hành động của Nga và Trung Quốc để tận dụng 4 năm (nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump) để vượt qua sự bá quyền của Mỹ". Theo ông Gabuyev, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc muốn "làm suy yếu sự thống trị của Mỹ và đạt được một trật tự thế giới đa cực, nơi Nga và Trung Quốc có thể phát triển mạnh mẽ".

Thắt chặt quan hệ "không giới hạn"

Trong bài viết đăng trên tờ báo Rossiyskaya Gazeta của Nga, ông Tập Cận Bình ca ngợi mối quan hệ "bền vững" giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời kêu gọi các nước khác tránh xa can thiệp vào mối quan hệ này. "Hai bên nên cùng nhau chống lại mọi nỗ lực can thiệp và phá hoại tình hữu nghị và lòng tin lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, không nên bối rối trước những sự kiện tạm thời hoặc bị xáo trộn bởi biển động", ông Tập Cận Bình viết.

Điện Kremlin đã mô tả quan hệ Nga - Trung là "ví dụ thực tế" về sự hợp tác và khẳng định quan hệ này "đang ở đỉnh cao". Trong một bộ phim tài liệu phát sóng trên truyền hình nhà nước Nga vào ngày 4/5, ông Putin nhấn mạnh: "Sự hỗn loạn trên thế giới không hề giảm bớt mà chỉ gia tăng, và chúng ta có những mối quan hệ đáng tin cậy và ổn định đến mức sự tồn tại của những mối quan hệ này sẽ củng cố thêm sự ổn định toàn cầu".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo hai nước sẽ "tập hợp Nam toàn cầu, định hình quản trị toàn cầu theo đúng hướng, phản đối mạnh mẽ các hành vi đơn phương và bắt nạt, và cùng nhau thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng và có trật tự".

Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và cựu nhà ngoại giao Wang Yiwei, tuyên bố rằng "Trung Quốc và Nga muốn thiết lập một mô hình quan hệ mới giữa các cường quốc", đồng thời nhấn mạnh: "Hệ thống của Mỹ không bình đẳng, không bao trùm. Trung Quốc và Nga luôn cần nhau để duy trì một thế giới đa cực".

Trong khi Tổng thống Trump đang thúc đẩy chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" để khẳng định sự thống trị toàn cầu của Mỹ, "Bắc Kinh đang định vị mình là một siêu cường ổn định hơn", Bloomberg lưu ý.

Sự kiện trọng tâm trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Nga lần này là việc tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hoành tráng tại Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5. Nhà phân tích chính trị Nga Fedor Lukyanov ghi nhận rằng sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc diễu hành ở Moskva dấu hiệu cho thấy "sự đoàn kết với Nga" và "quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển bất chấp những nỗ lực chia rẽ của Mỹ".

Ông Tập Cận Bình sẽ là khách danh dự tại cuộc duyệt binh cùng với 29 nhà lãnh đạo nước ngoài khác. Trung Quốc đã cử hơn 100 binh sĩ – lực lượng quân sự nước ngoài lớn nhất trong số 13 quốc gia tham dự – đến tham gia lễ diễu binh tại sự kiện này, một động thái thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc và Nga đã ngày càng thắt chặt mối quan hệ, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Nga. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Moskva, trong khi Nga xếp hạng là đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc.

Theo AFP ngày 7/4, mối quan hệ này có sự phụ thuộc lẫn nhau: Trung Quốc chủ yếu dựa vào Nga để có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ khổng lồ, trong khi các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc để lấp đầy khoảng trống do các công ty phương Tây rời bỏ - đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô - sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong cuộc gặp riêng, Tổng thống Putin và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ thảo luận về Ukraine và quan hệ Nga - Mỹ. Trung Quốc tự coi mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột Ukraine, mặc dù các nước phương Tây cho biết mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Nga đã mang lại cho Moskva sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao quan trọng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ham-y-dia-chinh-tri-tu-chuyen-tham-nga-cua-chu-tich-trung-quoc-20250508122602822.htm
Zalo