'Phao' giúp trẻ em thoát đuối nước trong kỷ nguyên số
Bên cạnh công tác đào tạo, giáo dục kỹ năng xử lý trước tình trạng trẻ đuối nước, trong thời đại số hiện nay, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, phòng ngừa, ứng phó trước nguy cơ xảy ra đuối nước.
Đuối nước là có thể phòng ngừa
Tại buổi tập huấn Nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em vào ngày 10/10, trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, đuối nước là nguyên nhân khiến trên 2,5 triệu ca tử vong trong thập kỷ qua.
Theo bà Vân, đuối nước có thể phòng tránh được. Trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch phòng chống đuối nước quốc gia.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu về phòng chống đuối nước thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu; tăng cường phối hợp đa ngành; tăng cường nhận thức của người dân về đuối nước thông qua công tác truyền thông có chiến lược.
Chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi rất quan trọng nếu các biện pháp phòng chống đuối nước được tiến hành và thành công.
Thực tế, ở nhiều nơi, mọi người thậm chí không nhận thức được rằng đuối nước là một vấn đề lớn. Do đó, truyền thông có chiến lược cần được lồng ghép vào giai đoạn lập kế hoạch của tất cả các can thiệp.
Tiến sĩ Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.
“Đuối nước không diễn ra 1 cách ngẫu nhiên. Đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được”
Truyền thông trong kỷ nguyên số: Công cụ đắc lực phòng chống đuối nước
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Trần Bá Dung, nguyên Ủy viên Ban thường vụ, nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong kỷ nguyên số, truyền thông đóng vai trò không thể thiếu trong việc phổ biến kiến thức, cảnh báo các nguy cơ và thay đổi nhận thức của cộng đồng về đuối nước trẻ em.
Với sự phổ biến của các nền tảng như: Facebook, Instagram, TikTok, và YouTube, thông điệp về phòng chống đuối nước có thể lan tỏa một cách nhanh chóng, tiếp cận đến hàng triệu người trong thời gian ngắn.
Những video hướng dẫn kỹ năng an toàn nước, những câu chuyện thực tế về tai nạn đuối nước hay các bài viết chia sẻ kỹ năng cứu hộ là những ví dụ điển hình giúp truyền tải thông tin một cách trực quan và sinh động.
Tiến sĩ Trần Bá Dung, Nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam.
Một trong những yếu tố quan trọng của truyền thông trong việc phòng chống đuối nước là lựa chọn đúng kênh và phương tiện truyền thông. Sự lựa chọn này không chỉ quyết định tốc độ lan tỏa mà còn ảnh hưởng đến đối tượng mà thông điệp nhắm đến.
Với trẻ em và thanh thiếu niên, những video ngắn nhưng sáng tạo trên TikTok hoặc Instagram lại là lựa chọn tối ưu.
Hơn nữa, việc sử dụng Infographic và hình ảnh minh họa trong các bài báo điện tử cũng giúp thông tin trở nên dễ tiếp thu hơn, đặc biệt là khi nội dung liên quan đến kỹ năng cứu hộ phức tạp.
Theo Tiến sĩ, Nhà báo Trần Bá Dung, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn có khả năng thay đổi nhận thức và kêu gọi hành động từ phía cộng đồng.
Các chiến dịch truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em không chỉ làm nổi bật mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà còn khuyến khích người dân, các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm khác hành động một cách tích cực.
Một trong những cách mà truyền thông có thể thúc đẩy sự thay đổi là thông qua việc gây áp lực lên chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền để họ đưa ra các chính sách và biện pháp cụ thể.
Khi các bài viết, phóng sự hoặc chiến dịch truyền thông mạng xã hội liên tục nhấn mạnh về tình trạng đuối nước ở trẻ em, sẽ tạo ra sự chú ý từ công chúng và kêu gọi các cấp chính quyền đưa ra các biện pháp an toàn.
Các biện pháp hiệu quả như: xây dựng hồ bơi công cộng, phổ cập dạy bơi cho trẻ em tại trường học hay đặt biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao.
Một bài viết dài dòng hay một video với ngôn ngữ chuyên ngành sẽ không thể tiếp cận được đại đa số người dân.
Do đó, việc biên tập nội dung sao cho ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ thông tin, truyền tải rõ ràng thông điệp về kỹ năng cứu hộ và phòng chống đuối nước là điều vô cùng quan trọng.
Điều này giúp tránh các tai nạn thương tâm do cứu hộ sai cách, vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em.
Một trong những yếu tố quan trọng trong truyền thông hiện đại là việc sử dụng các công cụ số để tối ưu hóa thông điệp. Các công cụ như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), quảng cáo trực tuyến, và phân tích dữ liệu người dùng giúp nhà báo và các nhà truyền thông nắm bắt được xu hướng, nhu cầu và hành vi của đối tượng mục tiêu.
Ngoài ra, các công nghệ mới như livestream, AR/VR (thực tế tăng cường và thực tế ảo) hay chatbot AI cũng có thể được ứng dụng để truyền tải thông tin một cách sáng tạo.
Vai trò của nhà báo trong việc truyền thông về phòng chống đuối nước
Tiến sĩ, Nhà báo Trần Bá Dung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội nhà báo Việt Nam - cho biết, nhà báo đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác và truyền tải thông tin phòng chống đuối nước. Không chỉ cần kỹ năng viết bài tốt, họ còn phải có khả năng sử dụng các công cụ tìm kiếm, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và phân tích dữ liệu để cung cấp cái nhìn toàn diện cho công chúng.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, truyền thông đóng vai trò không thể thiếu trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Với sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, truyền thông không chỉ giúp lan tỏa thông điệp nhanh chóng mà còn thay đổi nhận thức, kêu gọi hành động từ cộng đồng và chính quyền.
Để giảm thiểu nguy cơ đuối nước, việc phối hợp chặt chẽ giữa các nhà báo, các cơ quan truyền thông và cộng đồng là yếu tố quyết định sự thành công của công tác này.