Phán xử gây khó xử
Công tố viên đã đề nghị tòa phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cộng sự
Trong khoảng thời gian ngắn, cả hai tòa án quốc tế danh giá của Liên Hợp Quốc là Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) có những động thái tác động trực tiếp tới diễn biến của cuộc chiến giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông. Tại ICC, công tố viên đã đề nghị tòa phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cộng sự.
Còn ICJ chấp thuận yêu cầu của Nam Phi ra phán quyết buộc Israel không được tấn công quân sự vào thành phố Rafah ở Dải Gaza và phải thông thương tất cả các cửa khẩu để có thể thực thi thuận lợi những hoạt động cứu trợ nhân đạo cho dân thường ở đây.
Ông Netanyahu và Chính phủ Israel quyết tâm tiến hành chiến dịch quân sự tấn công vào Rafah vì cho rằng chỉ công hạ được thành này thì mới có thể đào tận gốc rễ Hamas và chỉ khi ấy mới có thể coi là chiến thắng.
Vấn đề ở chỗ an nguy và sinh mệnh của hơn một triệu rưỡi dân thường đang trú ngụ ở thành phố này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng thực sự. Gần như vào cùng thời điểm với phán quyết trên của ICJ, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đưa ra tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine độc lập vào cuối tháng 5 này. Slovenia và Malta cũng đã công khai chủ định tương tự.
Israel không là thành viên ICC nhưng tham gia ICJ nên có nghĩa vụ tuân thủ mọi quyết định của ICJ. ICJ không có lực lượng nhân sự để tổ chức thi hành phán quyết nhưng có thể yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện điều đó. Các thành viên của ICJ có thể dựa vào phán quyết của tổ chức này để thực thi những biện pháp chính sách đơn phương trừng phạt Israel.
Trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, những đồng minh truyền thống của Israel như Mỹ, Pháp và Anh chắc chắn sẽ phủ quyết mọi dự thảo nghị quyết gây bất lợi cho Israel. Dù vậy, những động thái mới trên ở cả ICC lẫn ICJ đều đẩy Israel và các đồng minh của nước này vào tình thế ngày càng khó xử.
Thủ tướng Netanyahu không thể không nhận thấy dư luận thế giới đang chuyển biến theo hướng ngày càng thêm bất lợi và bớt thân thiện với Israel, không còn đề cập đến Hamas nhiều như trước mà gần như chỉ còn để ý đến cách thức Israel tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza cũng như thảm trạng nhân đạo.
Trong khi đó, áp lực đòi hỏi Israel nhanh chóng chấm dứt chiến tranh và đi vào hòa đàm thực chất với Palestine càng thêm gia tăng. Bất chấp phán quyết của ICJ vì thế rồi sẽ lợi bất cập hại đối với Israel. Ngay cả những đồng minh và đối tác ủng hộ Israel, bất kể có tham gia ICC hoặc ICJ hay không, cũng bị đẩy vào tình trạng khó xử tương tự.
Những bên nào từ nay tiếp tục viện trợ tài chính và vũ khí cho Israel để nước này tấn công quân sự vào thành phố Rafah trong thực chất cũng đều bất chấp ICJ và vì thế rồi đây sẽ không thể thuyết phục hay gò ép các nước khác trên thế giới tuân thủ các phán quyết của ICJ đối với thành viên nào đấy mà họ muốn.
Vì vậy, đồng minh của Israel sẽ phải “lách luật” thay đổi cách viện trợ cho Israel, trong khi nước này sẽ vừa tiếp tục tấn công quân sự vào Rafah nhưng vừa phải kiềm chế về mức độ và phạm vi.