Thổ Nhĩ Kỳ gọi lệnh bắt Thủ tướng Israel của ICC là 'quyết định dũng cảm'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 23/11 nhận định Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) 'có quyết định dũng cảm' khi phát lệnh bắt Thủ tướng và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel.
Trước đó, ngày 21/11, ICC ban hành lệnh bắt đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant với các cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua ở Dải Gaza.
ICC cũng phát lệnh bắt ông Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri, còn gọi là Mohammed Deif, thủ lĩnh cánh vũ trang của phong trào Hamas ở Dải Gaza. Israel tuyên bố đã hạ sát Mohammed Deif trong một cuộc không kích hồi tháng 7/2024, nhưng thông tin đó chưa được Hamas xác nhận.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải thành viên của ICC, nhưng liên quan đến động thái này, ông Erdogan nói: "Chúng tôi ủng hộ lệnh bắt và cho rằng quyết định dũng cảm này phải được tất cả quốc gia thành viên ICC thực hiện để khôi phục niềm tin vào cơ quan quốc tế. Các nước phương Tây nhiều năm qua dạy cho thế giới bài học về luật pháp, công lý và nhân quyền cần phải giữ lời hứa của họ vào lúc này".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người nhiều lần chỉ trích gay gắt Israel kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát hồi tháng 10/2023. Thổ Nhĩ Kỳ tháng này cùng 52 nước khác gửi thư tới Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt bán và chuyển giao vũ khí cho Israel.
Về quyết định của ICC, Israel hôm 21/11 đã lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Israel Gideon Saar khẳng định, ICC "đã mất toàn bộ tính chính danh" sau khi phát lệnh bắt ông Netanyahu và ông Gallant, và rằng ICC đã đưa ra "những lệnh bắt giữ vô lí dù không có thẩm quyền gì".
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre sau đó tuyên bố Mỹ không đồng tình với quyết định của ICC. Mỹ và Israel không phải thành viên ICC.
Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ nếu ông Netanyahu, ông Gallant và ông Deif tới lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, động thái của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada mới đây cho biết, nếu Thủ tướng Israel đến nước này, ông có thể bị bắt giữ theo quyết định của ICC. Trước đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia thành viên EU đều có nghĩa vụ tuân thủ mọi quyết định của ICC và đảm bảo việc thực hiện chúng.
Trung Quốc, nước không phải thành viên ICC, kêu gọi tòa án quốc tế "duy trì lập trường khách quan và công bằng" khi thực hiện các quyền hạn theo luật định.