Phán xét xấu hay tốt?

Sự phán xét chính là thứ khiến thực tế được nhìn nhận là tốt hoặc xấu. Đơn giản thế nhưng cũng thật phức tạp.

Cảm thấy yên ổn

“Những sự việc bên ngoài không khiến con người bận lòng, mà là cái cách họ nhìn nhận chúng”. -Epictetus

“Con người chỉ có khả năng kiểm soát tâm trí mình - chứ không kiểm soát được những sự việc bên ngoài. Khi nhận ra được điều này, ta sẽ tìm thấy sức mạnh”.

-Marcus Aurelius

“Chúng ta luôn nhìn vào những nốt mụn của người khác trong khi cả thân thể mình đầy lở loét”. -Seneca

Tại sao gần đây mọi người lại cư xử kì quái như vậy?” là tiêu đề một bài viết trên tờ The Atlantic. Người ta nổi điên trên máy bay và ở phi trường; những màn đối đáp thiếu kiềm chế trên mạng xã hội biến thành những trận khẩu chiến ngoài đời thực; người ta cứ lái xe đâm trúng người đi bộ; tỉ lệ người nghiện rượu và ma túy tăng lên.

Trong khi thế giới đang dần dỡ bỏ những bó buộc của thời kì đại dịch, xã hội vẫn chưa trở lại với trạng thái bình thường trước kia - mọi người đang hành động theo kiểu không ai ngờ tới được (cú tát trong đêm trao giải Oscar!) và lại còn kì cục nữa chứ.

“Chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Làm thế nào mà người dân Mỹ đã đi từ chỗ vỗ tay khen ngợi những nhân viên y tế sang đe dọa lấy mạng họ?”, tờ The Atlantic đặt câu hỏi.

Những lý do giải thích cho tình trạng này là rất phức tạp, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra sự căng thẳng, các mối quan hệ xã hội bị cắt đứt do giãn cách, và vấn đề lạm dụng chất kích thích khiến khả năng tự kiềm chế đạo đức và xã hội giảm đi.

Tất cả những hành vi đó - phản ứng dữ dội, tỏ ra giận dữ, đe dọa người khác, cư xử khó chịu trên mạng xã hội - những người Khắc kỷ hẳn sẽ lập luận rằng chúng đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta cả. Chúng là những phản ứng (hay hành động) của chúng ta, và cũng là một trong ba yếu tố hoàn toàn do ta kiểm soát.

Bạn có thể phản bác lại, giống như tôi trong những lần đi dạo cùng Andrew, rằng những phản ứng đó thường diễn ra quá nhanh đến mức ta không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn. Nhưng lập luận đối nghịch của những người Khắc kỷ (và của cả Andrew) là một người có đầu óc lý trí sẽ luôn có khả năng kiểm soát các phản ứng và hành động của mình.

Nhưng trước tiên, hãy cùng xem xét một yếu tố cực kì quan trọng tác động tới những hành động và phản ứng của chúng ta: sự phán xét.

 Những góc nhìn khác nhau của con người tạo nên định kiến. Ảnh: IStock.

Những góc nhìn khác nhau của con người tạo nên định kiến. Ảnh: IStock.

Nếu mọi sự đều chỉ... trung tính thì sao?

Sự phán xét chính là thứ khiến thực tế được nhìn nhận là tốt hoặc xấu. Đơn giản thế nhưng cũng thật phức tạp. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta chính là hiện thân cho các ý nghĩ của mình. Chúng ta ưa thích cái này hơn cái kia, và chúng ta xếp đặt, phân loại thế giới vào nhóm “tốt” ở bên này và “xấu” ở bên kia.

Những phán xét này không phải lúc nào cũng phản ánh sự thật khách quan. Chúng ta hay vội vàng phán xét, thường là khi chưa có đủ thông tin, hoặc có lúc chúng ta quá vội phán xét một điều gì đó mà với nó sự phán xét là vô ích, hay thậm chí không cần phải bị phán xét. Rất nhiều những thứ chúng ta gọi là tốt hay xấu thực ra đều trung tính, thế nhưng thói quen phán xét của chúng ta rất mạnh mẽ và nó định đoạt phần lớn cách mà chúng ta phản ứng với sự việc bên ngoài.

Marcus Aurelius đã nói về tiêu chuẩn “tốt” và “xấu” như thế này: “Chúng ta phân loại những thứ mà mình không thể kiểm soát thành “tốt” và “xấu”. Và vì thế đương nhiên khi một việc “xấu” xảy ra, hoặc việc “tốt” không xảy ra được, chúng ta đổ lỗi cho thánh thần, cảm thấy căm thù những người gây ra cảnh đó - hoặc những người mà chúng ta gán cho là phải chịu trách nhiệm. Rất nhiều những hành vi tồi tệ của chúng ta bắt nguồn từ việc cố gắng áp đặt những tiêu chuẩn như vậy”.

Tôi có thể nghĩ rằng thật tệ khi không thuê được căn nhà mà tôi muốn - nhưng tại sao điều đó lại tệ đến thế? Tôi chỉ đơn giản là không thuê được thôi. Trên thị trường có thể vẫn còn những ngôi nhà khác phù hợp với tôi hơn. Căn nhà kia có thể gặp phải rất nhiều vấn đề: đồ đạc hỏng hóc, chủ nhà thì xấu tính, trong nhà lúc nhúc gián. Nhưng tôi đã quá vội vã phán xét một điều gì đó là “xấu” (không thuê được căn nhà đó) khi chưa nắm rõ hết thực tế.

Brigid Delaney/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/phan-xet-xau-hay-tot-post1545364.html
Zalo