Truyện ngắn: Lòng tốt
Thằng Nhất bế đứa em ba tuổi đang ngằn ngặt khóc ra mãi cổng ngóng mẹ. 'Sao giờ này mẹ chưa về nhỉ? Hơn tám giờ tối rồi'.
Thằng Nhất vừa bế, vừa nựng em, vừa dõi mắt về phía con đường xa. Em nó thể trạng yếu, buổi tối lại quen có hơi mẹ nên giờ này mẹ chưa về em quấy khóc quá!
Đứng chán ở cổng, Nhất lại quay vào nhà. Bát cháo ăn liền nó pha mới đút cho em ăn được mấy miếng thì không chịu ăn nữa, vẫn nằm chỏng chơ trên bàn. Hình như bụng thằng Nhất cũng đang réo, từ tối đến giờ, nó bận dỗ em đã ăn cái gì đâu. Nó thấy mệt và đói. Một tay bế em ở bên sườn, một tay nó định xúc ăn nốt bát cháo dở nhưng lại thôi vì nghĩ tí em bớt khóc nó cho em ăn thêm.
Nó bế em xoay ra chỗ nồi cơm điện cắm từ trưa. Cơm nguội, nó xới một bát, rưới chút nước mắm ăn tạm để lấp cái bụng đang réo. Ăn để lấy sức trông em. Em bé thấy anh xúc cơm ăn thì nín khóc, có lẽ hành động ấy lạ lẫm trong mắt đứa nhỏ đang tò mò với mọi thứ xung quanh. Thằng Nhất thấy em nín khóc thì vui quá, nó nhìn em ngoác mồm cười trong khi cơm vẫn đầy miệng, vô tình làm những hạt cơm rơi tung tóe. Em bé giật mình lại khóc toáng lên.
Thằng Nhất hốt hoảng đặt thìa xuống để cưng nựng nhưng em nó vẫn không ngừng khóc. Nhất lại bế em ra cổng ngóng. Đèn đường sáng hắt rõ từng cái bóng cây đổ dài mà tuyệt nhiên không thấy bóng mẹ nó về. Nó bắt đầu lo lắng và mếu máo thành lời:
- Sao mẹ lâu về thế nhỉ?
Không thấy mẹ về, điện thoại cho mẹ thì thuê bao, trong đầu Nhất chợt nhớ đến lời kể của bà nên bất giác làm theo. Nó bế em vào nhà lấy cái áo của mẹ hơ qua, hơ lại trước mặt. Ngày xưa, khi bà ngoại còn sống, bà kể, bà đã làm thế khi ông đi ra trận, chỉ khác là bà hơ áo ông trên lửa, còn lúc này nó chẳng có thời gian mà bật được lửa nên nó chỉ hơ được cái áo qua lại trước mặt, hi vọng mẹ nó sốt ruột mà về.
Thằng Nhất hơ đi, hơ lại cái áo, chả biết mẹ có sốt ruột không nhưng em bé cứ nhìn theo tay anh đưa qua đưa lại một lúc thì mắt cũng lim dim. Sau rồi, tiếng khóc cũng nín, em gục hẳn vào vai anh ngủ vùi.
Ngồi bần thần trên ghế trong phòng tiếp công dân của Công an phường X, chị Thà thấy ruột gan mình như có lửa. Nhìn điện thoại hết pin từ bao giờ, chị bồn chồn không yên. Giờ này chắc anh em thằng Nhất đang mong chị lắm. Một đứa mười hai tuổi, một đứa mới ba tuổi lại ốm yếu, chắc khản cổ mất thôi.
Chị đứng lên, ngồi xuống lại đứng lên. Bản tường trình chị viết đã xong, mà anh công an vào phòng từ nãy vẫn chưa ra. Không chờ được nữa, chị bước vào căn phòng có cánh cửa mở, bên trong anh công an đang dõi mắt vào cái màn hình to như màn hình tivi, có nhiều phương tiện giao thông qua lại. Chị lấy hết can đảm để hỏi:
- Chú ơi, tôi viết xong rồi, tôi về được chưa?
- Chị cứ ra bàn đợi, tôi ra ngay đây.
Chị Thà lại ra ghế ngồi, lòng không khỏi bồn chồn. Chị nhớ ngày xưa, khi mới cưới nhau, lúc chị có bầu thằng Nhất, chồng chị từng ước: “Giá như nhặt được tiền”. Mới đó mà đã hơn chục năm rồi, nếu anh còn sống chị sẽ cho anh biết nhặt được tiền chẳng thích như mình nghĩ. Thậm chí bây giờ chị còn ước “lúc đi làm về chị không nhìn thấy cọc tiền thì giờ này chị đã yên tâm ở nhà, bên các con của mình”.
Đợi chừng thêm mươi phút, anh công an bước ra nói với chị:
- Tôi đã xác minh số tiền này đúng là chị nhặt được thông qua camera giao thông. Số tiền tạm thời niêm phong lại, chúng tôi sẽ phát thông báo để người rơi tiền đến nhận. Khi đó, chúng tôi sẽ mời chị đến làm thủ tục bàn giao. Bây giờ mời chị kí vào biên bản và về được rồi.
Chỉ chờ có vậy, chị Thà tất tả ra về. Chị lo lắng không biết giờ này ở nhà hai đứa trẻ thế nào. Về đến nhà, cửa mở toang, vừa dựng xe ở sân, chị Thà vừa hỏi vọng vào:
- Nhất ơi, em ngủ rồi hả con?
Căn nhà yên ắng, điện sáng trưng, đồ đạc lỏng chỏng. Không thấy Nhất trả lời, chị ngó vào giường, hai anh em đã ôm nhau ngủ. Chị khẽ khàng kéo tấm chăn mỏng đắp cho chúng rồi đi xuống bếp. Bát cháo ăn liền để chỏng chơ, cơm nguội vương vãi, chị nhói lòng: “Hai anh em đã nhịn đói đi ngủ”. Nghĩ thế, chị chảy nước mắt, chị thương hai con quá.
Nhiều lúc, nhìn bé Duyên xanh xao, chị vẩn vơ nghĩ: “Việc giữ lại con bé để nuôi có phải là quyết định đúng đắn của chị không? Nếu ngày hôm ấy chị từ chối thì biết đâu con sẽ được gia đình giàu có nào đó nhận nuôi, họ đã có tiền phẫu thuật tim cho con”.
Chị nhớ, lúc con gần một tuổi, bác sĩ phát hiện con bị bệnh tim bẩm sinh, dặn chị thu xếp khi con được ba đến năm tuổi thì cho đi phẫu thuật. Vậy mà bé Duyên sắp qua tuổi thứ ba rồi, chị vẫn chưa thực hiện được ca phẫu thuật cho con. Nhưng chị quả quyết rồi, nhất định chị phải giúp con có một trái tim khỏe mạnh.
Lương công nhân môi trường không thấm vào đâu, chị phải nhận đủ công việc làm thêm từ dọn nhà theo giờ đến chăm sóc vườn cây cho người ta. Chị định bụng, chăm chỉ tích cóp một thời gian nữa thiếu đâu thì vay mượn thêm, chị sẽ đưa bé Duyên đi phẫu thuật. Đặt tên con là Duyên chị cũng tự nhắc nhở chính mình khắc cốt ghi tâm công lao của người mẹ nuôi đã khuất.
Bà cụ từng kể, khi bà nhặt được chị, đã có người đến hỏi xin nhưng bà không đồng ý, bà bảo: “Ấy là cái duyên trời cho”. Nhờ vậy mà chị được sống cùng người mẹ nuôi luôn yêu thương chị hết mực. Hôm chị thấy bé Duyên trước cổng đền, chị đã nghĩ đến mình, đến người mẹ đã khuất. Chị tin ở thế giới bên kia mẹ rất vui khi thấy chị tiếp nối lòng nhân từ của bà.
Chẳng có nhiều thời giờ cho suy nghĩ vẩn vơ, chị Thà cởi vội áo đồng phục của công nhân môi trường đang khoác trên người, để bắt tay dọn dẹp lại căn bếp. Bỗng hai tờ 500 nghìn đồng trong túi áo rơi ra, “Thôi chết”, chị nghĩ, “còn hai tờ tiền nữa mà không nhớ ra”.
Rõ ràng chị nhặt lên nguyên một cọc tiền mệnh giá 500 nghìn đồng và cạnh đó là hai tờ tiền này. Lúc đó, do cọc tiền dày, chị đã đút vào cái túi treo ở cạnh xe đẩy, còn hai tờ tiền nhỏ gọn hơn, chị đút vào túi áo. Vậy mà khi giao nộp cho công an, chị quên bẵng mất. Đấy, cũng vì cái tính hay quên khiến chị nhiều lần dở khóc, dở cười.
Có lần cái áo bảo hộ lao động đã mặc lên người mà chị cứ đi tìm khiến chị em trong tổ được phen cười chảy nước mắt. Chị cúi xuống, nhặt hai tờ tiền cất lại vào túi. “Hôm nào chú công an gọi, phải khai báo bổ sung”, chị nhủ thầm.
Sáng hôm sau thức dậy, thằng Nhất không một lời kêu ca về buổi tối trông em vất vả, nó hồn nhiên ăn hết bát cơm rang rồi đi học. Chị cũng nhanh chóng đưa bé Duyên đến trường mẫu giáo để kịp ca làm việc. Cuộc sống của ba mẹ con chị cứ bình lặng trôi.
Ông trời chắc thử thách nên để chị một mình nuôi các con. Chồng chị mất trong một tai nạn khi anh đang trên đường đến bệnh viện để đón đứa con đầu lòng. Anh ra đi khi chưa kịp nhìn thấy mặt con. Quá đột ngột, gia đình giấu chị, nhưng như có linh tính chị đã đoán ra sự việc, thế là cơn sốc ập đến, thế là chị phải cấp cứu.
“Bác sĩ được phen hú vía”, ấy là sau này người nhà kể lại như thế chứ lúc đó chị có biết gì nữa đâu. Cũng kể từ ngày ấy, cái tính đãng trí của chị xuất hiện. Bây giờ đỡ nhiều, chứ hồi đó chị còn chả nhớ cho con mình bú mớm.
Chị bước vào phòng làm việc của Công an phường X, ngồi đúng chỗ hôm trước. Cũng may, hôm nay chị không phải chờ, cũng chẳng phải viết nhiều như lần trước. Thủ tục trao trả tiền diễn ra nhanh. Người bị rơi tiền là đôi vợ chồng trẻ có vẻ trí thức, họ lấy nhau đã lâu mà chưa có con.
Số tiền bị rơi khi hai vợ chồng chở nhau ra bệnh viện lớn chữa hiếm muộn. Khi đọc được tin có người nhặt được tiền, họ mừng phát khóc, họ còn đến ngân hàng xin được cả số sê ri của cọc tiền để xác minh thì đích thị là tiền của họ rồi. Anh công an vui vẻ làm thủ tục trao trả và không quên bảo các bên chụp ảnh lưu lại.
- Khoan đã chú ơi, còn một triệu tôi nhặt cùng cọc tiền kia, hôm trước tôi để ở túi áo mà nóng ruột về với các con nên tôi quên. Hôm nay, tôi trả cho người bị mất.
Anh công an dường như bất ngờ trong giây lát với tình huống phát sinh, rồi nhanh chóng thực hiện nghiệp vụ của mình. Cặp vợ chồng xin tặng chị một ít tiền để cảm ơn nhưng chị nhất định không nhận. Họ tha thiết thì chị đành bảo: “Tôi đã nhận, song tôi tặng lại cô chú, mong cô chú chữa trị thành công để có tiếng trẻ cho vui cửa vui nhà”.
Nghe chị nói vậy cô vợ ôm lấy chị khóc thành tiếng: “Chị ơi, mấy năm nay, chúng em vẫn nuôi hi vọng”. Sự xúc động của cô vợ, khiến chị, người phụ nữ đang khoác trên mình chiếc áo đồng phục công nhân môi trường, không ngần ngại mà vòng tay ôm nhẹ người phụ nữ trí thức, an ủi: “Có duyên, nhất định con sẽ đến với vợ chồng em”.
Khi nói câu này tự nhiên chị nghĩ đến bé Duyên. Một cách rất tự nhiên, chị thủ thỉ như sẻ chia như động viên đôi vợ chồng trong hành trình tìm con bằng câu chuyện hữu duyên của mình.
Chị vừa nắm tay cô vợ vừa kể: “Cách đây hơn ba năm, chị đã có duyên thấy bé thứ hai nhà chị khi bé bị ai đó bỏ lại chỗ góc khuất, lối vào cổng đền Quan. Kỳ lạ là bao nhiêu người, từ khách hành hương đến phật tử đi qua, đi lại nhưng chẳng ai trông thấy bé. Đúng lúc chị đi đến thu gom rác trước cổng đền thì nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh, chị là người đầu tiên thấy bé... Đấy có duyên thì con sẽ đến với mình em ạ”.
Đôi vợ chồng trẻ như được tiếp thêm động lực từ câu chuyện đầy tình người của chị thì phấn chấn hẳn. Anh công an bắt tay mọi người, cử chỉ lịch sự thường thấy khi người cán bộ kết thúc buổi làm việc với công dân.
Nhưng hôm nay, đôi bàn tay của người cán bộ ấy cứ nắm chặt tay chị, một người công nhân môi trường rất mực giản dị. Phải chăng lòng tốt tỏa ra từ chị chính là thanh nam châm có sức hút mãnh liệt, xóa đi khoảng cách địa vị lúc này.
Ngày ấy, câu chuyện của chị được đăng lên đài báo, lan tỏa về tấm gương người tốt việc tốt. Cô phóng viên của đài truyền hình tìm về tận nhà chị để phỏng vấn đăng tin. Ngày ấy đến nay đã tròn một năm. Còn lúc này chị đang trong tâm trạng bồn chồn ngóng đợi. Nhà cửa, sân cổng đã sạch sẽ gọn gàng.
Bộ ấm chén được cọ rửa sáng loáng sẵn sàng pha trà mời khách. Thằng Nhất, bé Duyên hồn nhiên chơi đùa trên chiếc giường quen thuộc. Trên bàn, bình phát lộc đã úa vàng sau nhiều ngày để trong nhà thiếu nắng, thì nay, sau cả tháng chị để ra ngoài hứng các đợt mưa xuân, nó đã xanh mướt vươn lộc đầy sức sống.
Ngoài cổng, đoàn người đại diện cho chương trình “Trái tim cho em” đang tiến vào. Chị vồn vã ra cổng đón khách. Cô phóng viên hồi trước về phỏng vấn chị, người đã giữ đúng lời hứa: “Giúp bé Duyên phẫu thuật tim miễn phí”, nay cũng đang có mặt trong đoàn.
Dường như thanh nam châm mang tên lòng tốt của chị có sức hút kỳ diệu nên nhiều bàn tay sẵn sàng kết nối sẻ chia để bé Duyên có được một trái tim khỏe mạnh. Nhìn bé Duyên với đôi môi bợt bạt đang trong vòng tay các cô chú, chị hình dung đến nụ cười chúm chím đỏ hồng của con vào một ngày không xa.