Phản ứng quốc tế về vòng đàm phán Mỹ - Iran đầu tiên thời Trump 2.0

Sau vòng thảo luận đầu tiên được đánh giá là 'mang tính xây dựng, Mỹ và Iran hôm qua nhất trí tổ chức thêm các cuộc cuộc đàm phán vào tuần tới. Sự kiện đánh dấu sự tan băng hiếm hoi trong quan hệ hai nước vốn bị phủ bóng bởi những lệnh trừng phạt và căng thẳng trong khu vực.

Vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Iran diễn ra theo hình thức gián tiếp, dưới sự trung gian của Oman. Đáng chú ý, theo Đài truyền hình nhà nước Iran, Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã có "cuộc nói chuyện ngắn" - lần đầu tiên kể từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Dù chỉ diễn ra vẻn vẹn trong vài phút, song cuộc gặp đã phát đi những tin hiệu tích cực.

Quốc kỳ Iran và Mỹ. Ảnh: VPR.

Quốc kỳ Iran và Mỹ. Ảnh: VPR.

Nga và chính phủ nhiều nước đã hoan nghênh diễn biến tích cực này trong đàm phán Mỹ - Iran, đồng thời kêu gọi các bên giải quyết bất đồng thông qua “đối thoại và ngoại giao”.

Nhà Trắng trước đó cùng ngày mô tả các cuộc thảo luận là “rất tích cực và mang tính xây dựng”, đồng thời thừa nhận, các vấn đề cần giải quyết “rất phức tạp". Cả Mỹ và Iran đều xác nhận, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 19/4 tới. Trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một trước khi bay tới Miami, Tổng thống Donald Trump cho biết:

"Tôi nghĩ chúng ổn. Tôi không thể nói với bạn vì không có gì để nói nhiều hơn cho đến khi bạn hoàn thành nó. Nhưng mọi thứ đang diễn ra ổn. Tình hình Iran đang diễn ra khá tốt, tôi nghĩ vậy".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh: “Phía Mỹ cũng cho biết mục tiêu của họ là đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhưng tất nhiên, điều này sẽ không dễ dàng và đòi hỏi ý chí cần thiết từ cả hai bên. Các đối tác của chúng tôi đã nỗ lực đáng kể ngày hôm nay để thể hiện thiện chí đạt được một thỏa thuận công bằng và phù hợp."

Kết quả vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Iran được đánh giá là vượt kỳ vọng nếu nhìn vào mối quan hệ căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Donald Trump nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng biện pháp quân sự nếu không đạt được thỏa thuận với Iran. Trong khi đó, Iran cũng gia tăng cảnh báo rằng nước này có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân với kho dự trữ urani được làm giàu ở mức gần cấp độ vũ khí. Theo Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi, nước chủ nhà cuộc gặp, cả Mỹ và Iran đều có có "mục tiêu chung là đạt được một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc".

Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cũng đánh giá kết quả đàm phán giữa Mỹ và Iran là đáng khích lệ, trong khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan bày tỏ tin tưởng những nỗ lực ngoại giao của Oman sẽ thành công trong việc thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Iran, cũng như tạo ra bầu không khí tích cực để xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ và Iran sẽ nhượng bộ đến đâu trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, Iran sẵn sàng quay trở lại mức làm giàu urani theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 song kèm theo một số điều kiện như Mỹ phải nhanh chóng nới lỏng các lệnh trừng phạt và cho phép Iran tiếp cận hàng tỷ USD tài sản bị đóng băng. Trong khi đó, đánh giá từ các cuộc đàm phán kể từ năm 2018 và những diễn biến trong khu vực, một số nhà quan sát nhận định, Iran có khả năng sẽ yêu cầu tiếp tục làm giàu urani lên đến ít nhất 20%.

Thu Hoài/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-quoc-te-ve-vong-dam-phan-my-iran-dau-tien-thoi-trump-20-post1191707.vov
Zalo