Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước đề nghị bắt giữ lãnh đạo Israel của ICC
Na Uy đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ thực hiện việc bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel - theo lệnh của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) - vì những cáo buộc phạm tội liên quan đến cuộc chiến tại Dải Gaza. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục có những phản ứng trái chiều trước lệnh bắt giữ này.
Là một đồng minh thân cận với Israel, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng phản đối, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định sẽ hợp tác với Quốc hội trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Tòa án Hình sự Quốc tế - liên quan đến lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu của ICC.
Tuy nhiên, nội bộ nước Mỹ cũng có quan điểm trái chiều về việc này. Ông Bernie Sanders, chính trị gia độc lập phục vụ lâu nhất ở Mỹ trong lịch sử của Quốc hội, lại bày tỏ sự đồng tình với lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Israel.
Liên minh châu Âu (EU) hôm nay cũng lên tiếng ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) “vì vai trò trung tâm của cơ quan này trong việc mang lại công lý cho các nạn nhân trong mọi tình huống thuộc thẩm quyền của mình”.
Cùng quan điểm, Pháp, Bỉ, Ireland tuyên bố ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế về lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo của cảIsrael và Hamas. Trong khi đó, Trung Quốc hy vọng, ICC sẽ giữ quan điểm “khách quan” về yêu cầu của công tố viên.
Dự kiến, Hội đồng thẩm phán của ICC tại Hà Lan sẽ xem xét lệnh bắt trước khi ra phán quyết. Giới quan sát cho rằng, thực tế ngay cả khi lệnh bắt được phê chuẩn, ICC cũng không có thẩm quyền thực thi lệnh bắt, mà điều này nằm ở nghĩa vụ của 124 nước thành viên, nếu quan chức Israel hay Hamas đặt chân lên lãnh thổ. Tuy nhiên ở một góc độ khác, nếu lệnh bắt giữ được thông qua cũng cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc yêu cầu các bên dừng ngay cuộc xung đột hiện nay tại Gaza.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!