Phản ứng của các nhà cung cấp Trung Quốc với thuế quan Mỹ
Các nhà cung cấp Trung Quốc đang 'đổ bộ' lên mạng xã hội Mỹ trong tuần này, kêu gọi người tiêu dùng mua hàng trực tiếp từ nhà máy để né mức thuế 'trên trời' mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Các container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cửa hàng bán sỉ trực tuyến DHgate đã vươn lên vị trí số 2 trong danh sách ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ trên App Store. Ứng dụng thương mại điện tử Taobao cũng đứng ở vị trí thứ 7.
Các chuyên gia cho rằng khả năng những công ty này là nhà cung cấp thực sự cho các thương hiệu như Lululemon hay Chanel là vấn đề cần phải tìm hiểu thêm. Các nhà sản xuất chính hãng thường phải ký thỏa thuận bảo mật, nên việc tự ý bán hàng công khai cũng khó xảy ra.
Dù vậy, những video từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang khiến người tiêu dùng Mỹ phải đối diện với thực tế: nền kinh tế Mỹ phụ thuộc mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Đồng thời nó đang cho thấy rõ tâm lý lo ngại mà mức thuế mới gây ra với người tiêu dùng Mỹ. Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc đang truyền đi thông điệp: dù Chính phủ Mỹ nói rằng các chính sách thương mại là để “ưu tiên nước Mỹ”, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt hại khi mất quyền tiếp cận sản phẩm quen thuộc hoặc phải trả giá cao hơn.
Một người bình luận dưới video có hơn 1,5 triệu lượt thích, trong đó người đăng khẳng định họ là nhà cung cấp quần legging cho Lululemon: “Đây mới đúng là cách khởi động xung đột thương mại”.
Thực tế, Lululemon có làm việc với nhiều nhà máy tại Trung Quốc đại lục, nhưng họ cũng có nhà cung cấp tại Peru và Campuchia.
Các chuyên gia cho rằng, những nhà máy rao bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ thường không đáng tin cậy. Nếu là nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn, họ sẽ bị ràng buộc bởi hợp đồng không tiết lộ thông tin, và chắc chắn sẽ không tự ý đăng bán sản phẩm lên mạng. Thậm chí, những sản phẩm xuất hiện trong các video TikTok nhiều khả năng là hàng nhái chất lượng cao - vấn đề mà Lululemon đã nhiều lần phải đối phó.
Vậy có phải các túi xách hay đồng hồ gắn mác “Made in Italy” hay “Made in Switzerland” thực chất được sản xuất tại Trung Quốc? Theo giáo sư Regina Frei, chuyên gia về hệ thống sản xuất bền vững tại Đại học Nghệ thuật London, câu trả lời không đơn giản là “có” hay “không”.
Nhiều thương hiệu xa xỉ có thể lắp ráp một phần hoặc sản xuất linh kiện tại Trung Quốc, sau đó mới hoàn thiện sản phẩm tại Pháp hoặc Italy - ví dụ như bộ máy đồng hồ hay bao bì cho túi xách. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của ngành hàng xa xỉ vốn rất phức tạp, nên không dễ truy xuất nguồn gốc. Ngay cả các nhà máy đặt tại châu Âu đôi khi vẫn có liên kết với Trung Quốc, như về quyền sở hữu hay quản lý.
Khi người tiêu dùng mua sản phẩm thông qua các cửa hàng trực tuyến thì họ cũng khó có thể được đảm bảo về chất lượng hay an toàn. Những sản phẩm này không có bảo hành và cũng không thể đổi trả.
Ngoài ra, chưa rõ các mặt hàng này có thể tránh được mức thuế quan cao "ngất ngưởng" của ông Trump như thế nào. Các chuyên gia dự báo, ngay cả các đơn hàng nhỏ mua trực tiếp từ Temu hay AliExpress cũng sẽ tăng giá do chính sách mới loại bỏ quy định miễn thuế cho các kiện hàng có giá trị dưới 800 USD.