Phan Thiết xích lô
Thời tuổi nhỏ, được đi xe xích lô dù là ngắn một đoạn, đối với tôi vẫn là một niềm hạnh phúc vô bờ, tràn ngập. Cái thuở mà gần như tất cả mọi người còn đang tất bật, lo toan, miếng cơm manh áo, cuộc sống còn bộn bề khó khăn (thập niên 50, 60 thế kỷ trước).
Nhà ngoại tôi ở gần cây cầu sắt số 2 đường tỉnh lộ 8 đi Ma Lâm. Ngoại tôi buôn bán trà ký và bán lẻ loại trà Blao (trà Bảo Lộc) ở chợ Gò Phan Thiết. Hàng ngày, nếu dọn hàng sớm thì bà cháu cùng lội bộ về đường xa 2 cây số. Còn hôm nào gom hàng muộn mà trời tối thì nhờ ông đạp xích lô quen biết gần chợ đưa về giúp cho mau. Được đi xe là một niềm vui, ngoại tôi ngồi trên băng ghế cùng với mấy bao bịch đựng trà, còn tôi ngồi dưới cái gọng gác chân ở đằng trước, hai chân gác hếch lên và tự lấy làm thích thú lắm, người cứ lâng lâng.

Không biết xe xích lô đã lăn bánh trên đường phố Phan Thiết vào năm nào, lúc nào? Nhưng theo tài liệu chung lưu lại thì: Từ năm 1945, sau khi thất bại trong chiến tranh, Nhật buộc phải đầu hàng và phải rút quân khỏi Đông Nam Á. Quân Anh vào tiếp quản miền Nam cùng với quân Pháp theo chân núp bóng sau lưng, với âm mưu tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa lần nữa. Cùng với việc quân Pháp trở lại, chiếc xích lô được đưa vào sử dụng làm phương tiện chở người và vận chuyển hàng nhờ cái tính năng gọn nhẹ, đẹp mắt hơn nhiều so với chiếc xe kéo được sử dụng nhiều ở miền Bắc. So với chiếc xe kéo, hình dáng thao tác vận chuyển của người phu kéo xe và người đạp xe xích lô có sự phân tầng rõ rệt. Cũng là một dạng bán mồ hôi công sức để kiếm đồng tiền, nhưng ở chiếc xích lô mà người đạp xe ngồi ở phía sau, thì người được chở dù cho có tiền để thuê chở đi nữa cũng ít cảm thấy áy náy, bất nhẫn. Người khách ngồi trước, hoặc là chuyện trò, hoặc là ngắm cảnh, họ ít thấy cái khổ nhọc của người đạp xe. Cũng là xích lô, nhưng ở Népal, Pakistan thì người đạp xe ngồi ở phía trước. Ngồi bên cạnh đạp xe là ở Malaysia, Ấn Độ, còn ngồi sau là ở Indonesia, Việt Nam. Xích lô, xe kéo phần nhiều được sử dụng ở các nước thuộc địa ở phương Đông, là hình ảnh điển hình của sự bất bình đẳng trong thân phận con người.
Theo tư liệu lưu trữ: Năm 1930, xe đạp (bicyclette) đã có ở Việt Nam và Campuchia, một kỹ sư người Pháp có tên Maurice Coupeaud, sinh năm 1872 đang làm việc tại Campuchia nảy ra sáng kiến kết hợp chiếc xe đạp và xe kéo với người đạp xe ngồi phía sau và đặt tên là xe xích lô (cyclo). Ông đã gửi bản vẽ thiết kế về Pháp để xin cấp bằng sáng chế ở Bộ thuộc địa và được chấp thuận. Xe xích lô được sản xuất tại Pháp và nhập sang Campuchia và Việt Nam. Ngày 9/2/1936, nhằm để quảng cáo, một chiếc xích lô với hai người thay nhau (người ngồi, người đạp) khởi hành từ Phnom Penh (NamVang, Campuchia) lúc 16 giờ chạy liên tục qua đêm và đã đến Sài Gòn lúc 9 giờ 30 sáng, đường dài 240 km, tốc độ trung bình 11 km/giờ.(?!) Đến năm 1939, cả Sài Gòn mới chỉ có 200 chiếc được nhập về đầu tiên. Như vậy, chúng ta có thể độ chừng xe xích lô có mặt ở Phan Thiết vào đầu thập niên 1940. Chiếc xe xích lô lúc đầu, đúng ra là chỉ dành riêng cho giới thầy cai, thầy ký. Giới giàu có trung lưu và quan lại cấp thấp ở địa phương, còn đối với người dân thật sự vẫn còn rất xa lạ. Ông bà chủ hãng nước mắm muốn đi xem cá để mua về muối mắm thì gọi xích lô đưa đi cho sang mà lại nhanh, tiện lợi nữa. Đường sá ở Phan Thiết lúc ấy chỉ mới có mấy con đường trải nhựa, dọc ngang cũng có mấy trục chính, phần đường còn lại đa phần là đường cát biển, cát động lún chân, xe di chuyển khó khăn. Chỉ có dành riêng cho việc chạy xe cấp cứu, chạy đỡ đẻ cho sản phụ lúc gấp rút, chạy chở hàng gần, còn lại là chạy chơi, đi dạo biển, chạy thăm viếng bà con, tham gia giỗ bái, đưa tang hay cưới hỏi.
Xe xích lô chỉ thật sự bùng nổ trên khắp mọi miền đất nước ở khu vực đồng bằng, duyên hải và nhiều thành phần dân cư bất kể, chấp nhận phương tiện vận chuyển này vì cái tính năng cơ động linh hoạt và vẻ ngoài gọn nhẹ của nó. Là khi bản vẽ thiết kế được nhượng quyền sản xuất đại trà ở Việt Nam. Ở đâu cũng có xe xích lô và Phan Thiết cũng không ngoại lệ. Cũng tùy theo cách nhìn văn hóa vùng miền và loại hàng hóa chuyên chở mà có cách bố trí kết cấu khác nhau. Xích lô miền Bắc sau năm 1945 và 1954, do quan điểm giai cấp nên xe dùng nhiều cho việc chở hàng, mở rộng thêm bề ngang để chở được nhiều hàng, ít được tu sửa nên xập xệ. Mãi về sau mới có thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên bề ngang, làm cho chiếc xe không gọn đẹp như ban đầu. Xích lô miền Trung thì có vẻ đài các hơn, ở Huế thì có thêm lọng che như xe cung đình, ở Hội An thì màn che trướng rủ, trang trí nhiều màu. Còn từ Nha Trang qua Phan Thiết rồi vào đến Sài Gòn, chiếc xe vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu và được phân làm hai loại, chở khách và chở hàng. Xe chở khách có chăm chút nhiều hơn, lau chùi thường xuyên nên xe sạch sẽ, bóng láng, còn xe hàng thì sao cũng được.
Chạy xe xích lô không cần có bằng lái. Ai có nhu cầu mua xe về làm phương tiện chuyên chở mưu sinh hay sử dụng riêng, thì chỉ mua xong rồi đi đăng ký lấy bảng số về gắn vô là chạy kiếm tiền. Có thời gian quy định phải vào nghiệp đoàn để quản lý và nộp phí nhưng thọ không lâu! Sau này khi chạy có bến bãi như khu du lịch, bến tàu xe, bến chợ, bến cảng, thì mới có đóng phí. Một gia đình, một cá nhân có đầu tư được một hay hai chiếc xe là đủ nuôi sống cả gia đình. Còn nhà nào không đủ sức sắm xe cũng không sao, cứ đến vựa xe cho thuê theo buổi, theo giờ mướn một chiếc, chạy xong trả xe mới trả tiền. Nói chung là sống được theo những giờ mình rảnh rỗi muốn làm thêm. Có thêm một lối chạy xe xích lô nữa là chạy tự do, không bến bãi. Chạy bất cứ đâu nhưng không được vào bến, chạy rông thư thả trên những cung đường có đông người qua lại, hay canh giờ tan học, tan rạp hát. Chạy theo những giờ giấc khó khăn như trưa chiều, đêm hôm khuya khoắt không ai chịu chạy. Muốn sống được, muốn kiếm được tiền chợ hàng ngày cho gia đình, phải tìm riêng cho mình vài ba mối ruột, hoặc mối đặc biệt, chạy riêng cho chắc vốn. Chạy xích lô không phải gắng sức để chạy được nhiều tiền trong một ngày, mà tính theo nhu cầu cần thiết của mình là bao nhiêu, để dành tích cóp là bao nhiêu. Chạy đủ rồi hoặc thêm chút đỉnh thì phải nghỉ, để dành sức cho ngày khác, có thể về nhà hoặc kiếm gốc cây công viên nào đó nghỉ ngơi cho khỏe.
Đạp xích lô là một nghệ thuật, không phải cố ra sức đạp rấn tới để xe được đi nhanh mà phải hiểu rằng: Chiếc xe xích lô là một phát kiến độc đáo của kỹ thuật thời đó, nó giải phóng cho sức lao động của con người, nó thay thế cho hình dáng thô kệch và sự bóc lột của chiếc xe lôi, xe kéo. Nó phù hợp với phương thức vận chuyển của giai đoạn sinh hoạt thời đó chỉ với những cấu tạo kết hợp tài tình. Mà trong đó hình dáng gọn nhẹ của chiếc xe cùng cái đặc biệt của cái líp chết và cái tỷ lệ truyền hợp lý từ đĩa đạp lớn qua dây xích đến líp xe. Cái líp chết là cái líp chỉ có đạp tới mà không thể trả lui được, cho nên người ta chỉ đạp nặng lúc đầu để lấy trớn, sau đó cứ theo vòng đạp nhẹ nhàng mà xe vẫn chạy đều, bởi có đạp thêm cũng không hơn được bao nhiêu. Cứ nhìn hình ảnh người đạp xe chuyên nghiệp và người mới ra nghề thì biết, một bên thì khoan thai còn một bên thì quá nhọc nhằn. Nghệ thuật ở chỗ, người đạp xích lô khi ngồi trên xe, người ta chỉ biết người đó là người đạp xe, còn người đó thuộc thành phần nào trong xã hội thì không mấy ai được biết. Bởi thế nên có nhiều cảnh tréo ngoe, người đạp xích lô trong lúc hai chân vẫn đạp nhẹ nhàng, tay tì lên càng xe phía trước, còn miệng thì như hướng dẫn viên du lịch, giải thích cho khách đi xe bằng cả tiếng nước ngoài. Hay lúc nghỉ, kéo xe vào chỗ mát nào đó, lên thùng xe nằm khểnh, rút tờ báo trong thùng xe ra đọc, mà có khi là cả báo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Cho đến bây giờ, cái hình ảnh chiếc xe xích lô ở Phan Thiết vẫn còn in đậm trong lòng mọi người. Nó vẫn còn tiếp tục lăn bánh trên đường phố dù rất ít, như một chứng nhân hoài cổ, dành riêng cho du lịch hay đình đám, cưới hỏi, vui chơi, như để nhớ một thời xích lô Phan Thiết!.