Chuyện chưa biết về ngôi nhà đặc biệt từng hai lần đón Bác Hồ

Giữa lòng Thủ đô, có một ngôi nhà nhỏ từng hai lần vinh dự đón Bác Hồ. Nơi đây lặng thầm lưu giữ ký ức thiêng liêng của non sông Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Trước khi đến 48 Hàng Ngang viết bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã dừng chân tại một ngôi nhà ở ngoại thành của gia đình cụ Nguyễn Thị An, xã Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Di tích “Nhà lưu niệm Bác Hồ” nằm tại số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương (quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện nay đang được ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ An) gìn giữ, trông nom. Ngôi nhà này chính là điểm đến đầu tiên của Bác Hồ cùng đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, sau đó vào nội thành Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Công Ngọc Dũng kể lại, đây là ngôi nhà của cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm, trong gia đình có hai người tham gia hoạt động cách mạng là vợ của cụ, bà Nguyễn Thị An và con trai, ông Công Ngọc Kha (bố ông Dũng).

Ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ Nguyễn Thị An). Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ Nguyễn Thị An). Ảnh: Thanh Tuấn

Từ những năm 1941, ngôi nhà này là nơi tiếp tế, trú ẩn, đưa thư từ liên lạc giao liên của các đồng chí hoạt động tiền khởi nghĩa. Trong suốt khoảng thời gian 5 năm, không để xảy ra trường hợp mất tài liệu, không đồng chí nào bị bắt. Chính vì vậy, ngôi nhà này được Trung ương chọn là nơi đón đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc trở về”, ông Dũng nói.

Theo lời ông Dũng: "Tối ngày 23/8/1945, bố tôi và gia đình được thông báo nhà có các đồng chí ở chiến khu về nghỉ ngơi trong vài ngày. Trong đoàn cán bộ ngày đó, có một ông cụ đã cao tuổi, chòm râu dài, mắt sáng, vầng trán cao, phong thái nhanh nhẹn".

Khi đó, ông Hoàng Tùng chỉ nói, có các đồng chí ở chiến khu mới về, nghỉ ở nhà vài ba ngày nữa, dặn mọi ngày gia đình ăn uống thế nào, nay bố trí nấu thêm cơm cho các đồng chí ở chiến khu về.

Ông Kha đoán đây là “đồng chí thượng cấp”, sau đó được giao nhiệm vụ vừa trực tiếp phục vụ và bảo vệ “đồng chí thượng cấp”, vừa lo bố trí bảo vệ ở vòng ngoài.

Sau khi bố trí lực lượng đầu làng và cuối làng, ông Kha về nhà, quan sát kỹ hơn những người ngồi trong nhà, đặc biệt chú ý ông cụ đã có tuổi. Mọi hoạt động và lời nói đều nhẹ nhàng và trật tự, không khí yên tĩnh, trang nghiêm. Cụ ông nhanh nhẹn, miệt mài làm việc đến khuya mới nghỉ. Sáng hôm sau, cụ ra vườn tập thể dục rồi tiếp tục làm việc.

Đến chiều 25/8/1945, cụ ông gọi ông Kha, nói muốn gặp cả gia đình để nói chuyện. Cụ Công Văn Trường, thân sinh bà Nguyễn Thị An, khi đó 90 tuổi cũng được mời xuống.

Các thành viên ngồi đông đủ trong nhà, cụ ông đứng dậy thân mật nói: “Tôi về đây, được gia đình hết lòng giúp đỡ. Bây giờ, tôi phải đi công tác. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình. Tôi chúc gia đình mạnh khỏe và có dịp nào đó, tôi sẽ về thăm lại".

Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23/8/1945 để ra mắt Quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Thanh Tuấn

Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23/8/1945 để ra mắt Quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Thanh Tuấn

Đoàn công tác rời đi. Mấy hôm sau, đúng sáng 2/9/1945, gia đình bà An cùng dòng người khắp nơi đổ về quảng trường Ba Đình lịch sử. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, mọi người ngờ ngợ mới vỡ lẽ “đồng chí thượng cấp” ở trong nhà mấy hôm trước, chính là Bác Hồ, nhưng không ai dám khẳng định.

Sau này khi trở về, gia đình ông mới được thông báo, ông cụ đã ở trong nhà của gia đình chính là Bác Hồ. “Bố tôi kể, mọi người vừa mừng, vừa tiếc nuối vì không nhận ra Bác Hồ sớm hơn vì ngày đó ai cũng quý Bác, chỉ mong được gặp Bác một lần nữa”, ông Dũng bồi hồi kể lại.

Trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 - 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9.

Căn nhà nhỏ ghi dấu lịch sử

Hơn một năm sau, giữ lời hẹn ngày 24/11/1946, sau khi trở về từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ đã về thăm gia đình cụ Nguyễn Thị An lần thứ hai. Khi đó, Người đã có buổi làm việc với cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.

Ông Công Ngọc Dũng cho biết, di tích hiện đang trong quá trình tu sửa, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 để kịp kỷ niệm 80 năm ngày đón Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 23/8. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Công Ngọc Dũng cho biết, di tích hiện đang trong quá trình tu sửa, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 để kịp kỷ niệm 80 năm ngày đón Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 23/8. Ảnh: Thanh Tuấn

Lần này, Bác Hồ về với cương vị là Chủ tịch nước. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian về thăm lại gia đình tôi như lời hứa năm xưa”, ông Dũng nói.

Ông Dũng kể lại, khi đó không thấy ông nội ông Kha đâu, Bác liền hỏi thăm ngay và cho mời ông cụ về. “Chú Hai (chỉ ông Kha), ông cụ nhà ta đâu (cụ Công Văn Trường)?”, Bác hỏi.

Thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, cụ Trường chắp hai tay, toan làm lễ. Nhưng Bác vội bước ra, tươi cười đỡ lấy cụ và nói: "Không, không, cụ đừng làm vậy. Bây giờ chúng mình đều là đồng chí, không còn như chế độ thực dân, phong kiến trước đây nữa".

Bác hỏi cụ Trường về sức khỏe, về đời sống, rồi giọng Bác trầm xuống: "Pháp chuẩn bị đánh ta một lần nữa, cụ có sợ không?". Cụ Trường đáp: "Giặc Pháp có nhiều xe tăng, máy bay, súng lớn, binh lính đông, liệu chúng ta có đánh được không?".

Nghe xong, Bác nói một cách quả quyết: "Nhưng chúng ta có lòng dân. Nhân dân ta cả nước đoàn kết một lòng, quyết tâm cao, nhất định sẽ đánh thắng chúng".

Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ khi Người lưu lại ở đây. Những kỷ vật cùng kỷ niệm được gìn giữ tại nhà cụ Nguyễn Thị An chính là bằng chứng sinh động về lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9; tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; nghệ thuật lãnh đạo của Bác và Đảng; công tác bảo vệ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Nhà cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1929. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhà cụ Nguyễn Thị An ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1929. Ảnh: Thanh Tuấn

Sau đó, từ năm 1979, căn nhà đón tiếp nhiều lãnh đạo, cán bộ cách mạng về thăm như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Phạm Thế Duyệt…

Bố tôi đã dặn chúng tôi rằng, ngôi nhà này gắn liền với sự kiện lịch sử cách mạng tiền khởi nghĩa. Đặc biệt, nơi đây lại hai lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh nên các con phải gìn giữ, bảo tồn”, ông Dũng chia sẻ.

Bên cạnh việc giữ gìn những kỷ vật, ông Dũng cũng bỏ nhiều tâm sức sưu tầm những tư liệu, hiện vật về Bác Hồ, về lịch sử, các hoạt động cách mạng để trưng bày trong nhà. Suốt những năm qua, ông Dũng cùng gia đình vẫn luôn cần mẫn, tận tụy trông coi bảo quản và làm người hướng dẫn viên cho nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến thăm di tích.

Năm 1996, gia đình ông Dũng hiến tặng căn nhà để địa phương làm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, vợ chồng ông Dũng trở thành những hướng dẫn viên, tiếp đón các đoàn khách tham quan, tận tụy kể về tình yêu thầm lặng đối với căn nhà, thông qua cách họ trân trọng, lưu giữ từng hiện vật, từng ký ức về Bác Hồ.

Hàng năm, cứ vào ngày 23/8, bao lớp thế hệ cách mạng cùng tề tựu, hội ngộ tại căn nhà lịch sử, để kể chuyện về Bác Hồ và cách mạng.

Năm 2019, ngôi nhà được công nhận Di tích Lịch sử cấp thành phố, địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An. Năm 2021, nhà lưu niệm được công nhận là Di tích quốc gia.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-chua-biet-ve-ngoi-nha-dac-biet-tung-hai-lan-don-bac-ho-387599.html
Zalo