Phân quyền quản lý quốc lộ, địa phương chủ động xử lý bất cập hạ tầng

Từ đầu năm 2025, UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý quốc lộ. Việc phân quyền sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác duy tu, bảo dưỡng, mở rộng quốc lộ.

Nút giao quốc lộ 37 và đường tỉnh 390C được sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống vạch kẻ đường, biển báo giúp người dân đi lại an toàn hơn

Nút giao quốc lộ 37 và đường tỉnh 390C được sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống vạch kẻ đường, biển báo giúp người dân đi lại an toàn hơn

Xử lý bất cập hạ tầng kịp thời hơn

Quốc lộ 17B đi qua địa bàn huyện Kim Thành dài khoảng 14 km, mặt đường rộng khoảng 5,5 m, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc.

Ông Nguyễn Văn Thái ở xã Đồng Cẩm (Kim Thành) cho biết mặt quốc lộ 17B nhỏ hẹp, nhiều phương tiện qua lại, trong đó có nhiều xe chở container từ Hải Phòng. Hai bên đường nhiều khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, trường học, có nhiều điểm giao cắt phức tạp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Cử tri Kim Thành mong mỏi tuyến đường sớm được nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương.

Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này hồi tháng 1/2024, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ nghiên cứu để ưu tiên bố trí vốn trong đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 17B khi điều kiện về nguồn lực cho phép theo quy định.

Tuy nhiên, trước mắt do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được phân bổ hạn hẹp, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 17B nói riêng cũng như các tuyến đường khác nói chung.

Phải đến ngày 31/10/2024, Cục Đường bộ Việt Nam mới có quyết định phê duyệt dự án sửa chữa hư hỏng nền, mặt quốc lộ 17B đoạn km17+900 - km20+500; thay thế hệ thống biển báo; sơn vạch đường các đoạn từ km17+900 - km28+890; bổ sung hệ thống bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực cổng trường học (km21+180, km25+200, km27+600). Dự án có tổng mức đầu tư gần 15,6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ.

Mặc dù vậy, đoạn đường được sửa chữa chỉ hơn 2 km, quá ít so với tổng thể tuyến đường.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 17B đoạn qua huyện Kim Thành vào tháng 7/2023 (ảnh tư liệu)

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 17B đoạn qua huyện Kim Thành vào tháng 7/2023 (ảnh tư liệu)

Tới đây khi triển khai việc phân quyền quản lý quốc lộ sẽ giúp tỉnh chủ động hơn trong việc lập kế hoạch và triển khai các dự án bảo trì, nâng cấp hệ thống giao thông, thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng một cách linh hoạt và kịp thời. Các địa phương cũng chủ động xử lý, khắc phục các bất cập hạ tầng nhanh chóng hơn.

Phân cấp trách nhiệm

Từ tháng 1/2025, UBND cấp tỉnh được phân cấp để quản lý quốc lộ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các công trình hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với quốc lộ được phân cấp. Điều này đã được nêu rõ tại điều 4, Nghị định 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Riêng đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý; quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ có yêu cầu đặc biệt, tuyến quốc lộ nhà nước đã giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác... không phân cấp cho tỉnh quản lý.

Nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ khi phân cấp cho UBND cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quốc lộ 38B là một trong 3 quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền Sở Giao thông vận tải Hải Dương quản lý

Quốc lộ 38B là một trong 3 quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền Sở Giao thông vận tải Hải Dương quản lý

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo thông tư quy định về phân cấp quản lý quốc lộ. Theo dự thảo, Hải Dương sẽ được phân cấp quản lý 3 tuyến gồm quốc lộ 37 (km26+480 - km99+680), quốc lộ 38B (km0 - km19+150), quốc lộ 17B (km 15+500 - km28+890).

Thực tế hiện nay, 3 tuyến quốc lộ trên đã được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền Sở Giao thông vận tải quản lý. Tuy nhiên việc phân quyền chưa triệt để, chưa rõ vai trò của UBND cấp tỉnh trong việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì tuyến đường. Việc ủy quyền quản lý được ví như "trông nom giúp", các nội dung liên quan đến sửa chữa, bảo trì đều phải xin ý kiến của Cục Đường bộ.

Do vậy khi UBND cấp tỉnh được phân cấp quản lý quốc lộ, địa phương sẽ chủ động hơn. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì hệ thống quốc lộ.

Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với quốc lộ được phân cấp. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ là quốc lộ được phân cấp, bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng, phương tiện tham gia giao thông trên đoạn quốc lộ được phân cấp quản lý với các tuyến đường bộ trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi với các tuyến đường khác trong khu vực.

Bộ Giao thông vận tải sẽ thanh tra, kiểm tra quốc lộ phân cấp bảo đảm quy mô, chất lượng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, việc chấp hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đường bộ.

Để bảo đảm hiệu quả việc phân quyền quản lý quốc lộ, cần có chính sách hỗ trợ thích hợp để công tác bảo trì hệ thống quốc lộ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phan-quyen-quan-ly-quoc-lo-dia-phuong-chu-dong-xu-ly-bat-cap-ha-tang-402916.html
Zalo