Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn sử dụng công nghệ cũ

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập khi tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 còn rất hạn chế, chỉ chiếm dưới 15%, phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ 2.0 và 3.0.

Theo giới chuyên gia, thời gian qua, mặc dù có những phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn có một khoảng cách khá lớn so với các doanh nghiệp FDI.

Tại hội thảo "Tiềm năng, xu hướng ứng dụng công nghệ IoT/AI trong ngành công nghiệp hỗ trợ" ngày 23/12 tại Hà Nội, TS Chứ Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF, Bộ KH&CN) đánh giá, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử chỉ đạt 5 - 10%, so với 65 - 70% ở Thái Lan và Malaysia.

Toàn ngành có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 còn rất hạn chế, chỉ chiếm dưới 15%, phần lớn vẫn đang sử dụng công nghệ 2.0 và 3.0.

TS Chứ Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia(NATIF, Bộ KH&CN).

TS Chứ Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia(NATIF, Bộ KH&CN).

Về năng suất lao động, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ đạt khoảng 40-50% so với các nước trong khu vực, điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Linh - Phó phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Linh, trong kỷ nguyên kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) là những công nghệ chủ lực, góp phần định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội.

AI và IoT nổi bật với khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu. Khi kết hợp, chúng không chỉ gia tăng tự động hóa mà còn thúc đẩy sáng tạo, nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hai công nghệ này giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Hà Nội, với vai trò tiên phong trong ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam, đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện. Thành phố tập trung phát triển hạ tầng số, thu hút nhân lực chất lượng cao và ứng dụng AI, IoT vào quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của IoT và AI. Hệ thống dữ liệu đổi mới công nghệ là một trong những hướng đi quan trọng, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.

TS Chử Đức Hoàng đề xuất, quy trình xây dựng dữ liệu đổi mới cần thực hiện qua bốn bước: đánh giá hiện trạng, thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu, phân tích và khai thác dữ liệu, và tối ưu hóa liên tục. Thực tế cho thấy, hệ thống dữ liệu này có thể tiết kiệm 20-25% chi phí đầu tư, giảm 30-40% thời gian đánh giá công nghệ, đồng thời tăng độ chính xác trong dự báo xu hướng công nghệ lên 35-40%.

Đại diện Techvify Software chia sẻ, AI đã được ứng dụng thành công trong nhận diện khuôn mặt, tăng cường bảo mật, quản lý kho bãi và tuân thủ quy trình trong khu công nghiệp. Những công nghệ này giúp tự động hóa giám sát, giảm thiểu sai sót và cải thiện hiệu quả vận hành.

Những giải pháp này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong tương lai, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích chuyển giao công nghệ IoT/AI sẽ giúp rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và công nghệ xanh.

Để năng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính, theo các chuyên gia, doanh nghiệp càng phải tăng cường áp dụng những giải pháp linh hoạt trong quản lý sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sáng kiến, đổi mới mô hình kinh doanh.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/phan-lon-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-con-su-dung-cong-nghe-cu/20241224085905525
Zalo