Phân loại rác thải tại nguồn: Khó thực hiện, vì sao?
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn bắt buộc thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025. Đây là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải vì việc phân loại sẽ làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2, việc phân loại rác sinh hoạt vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phải được thực hiện đồng bộ. Ảnh AI: T.B khởi tạo.
Nhiều người còn mơ hồ trong phân loại rác
Theo số liệu thống kê, mỗi ngày, cả nước thải ra môi trường hơn 67.000 tấn rác thải, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị chiếm khoảng 60%. Phần lớn lượng rác thải này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người. Vì vậy, theo quy định rác thải sẽ được phân thành nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải thực phẩm và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Dù việc phân loại rác tại nguồn đã có hiệu lực từ đầu năm 2025 song đến nay, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện đúng quy định và việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện và nhận thức của người dân. Nhiều địa phương vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể hoặc chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền mà chưa có biện pháp thực thi, kiểm tra và giám sát hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người dân còn đang rất loay hoay với các loại rác thải, không biết thuộc nhóm nào và phân loại ra sao.
Đáng chú ý, không ít hộ dân vẫn giữ thói quen vứt rác chung, cho rằng phân loại rác gây tốn kém, phức tạp và mất thời gian. Anh Hoàng Minh (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng tìm hiểu về quy định, yêu cầu phân loại rác, nhưng hiện nay tôi chỉ biết có 3 loại rác cơ bản là rác hữu cơ, vô cơ và nguy hại. Tôi cũng như nhiều người vẫn còn rất mơ hồ trong việc phân loại đúng để thực hiện theo quy định” - anh Minh nói và cho biết thêm, gia đình anh chỉ phân ra 2 loại: rác thực phẩm và ve chai.

Rác thải sinh hoạt nhiều nơi vẫn chưa được phân loại, gây khó khăn cho công nhân vệ sinh môi trường. Ảnh: Lê Minh.
Không chỉ người dân, khó khăn từ thực tế còn đến với nhân viên vệ sinh môi trường khi họ luôn cố gắng thu gom rác đúng cách, nhưng thùng rác thì vẫn là thùng chung và người dân vẫn giữ thói quen đổ mọi loại rác vào cùng một thùng. Việc thiếu thùng rác phân loại và sự thiếu đồng bộ trong công tác thu gom rác gây ra rất nhiều khó khăn cho công việc của nhân viên môi trường.
Cùng với đó, nhiều vấn đề tồn tại cũng đã được chỉ ra. Đó là tình trạng, tại nhiều nơi, người dân chưa thực hiện đúng việc phân loại, trong khi vẫn bỏ rác không đúng quy cách, thời gian và khu vực quy định được đưa ra. Tỷ lệ người dân phân loại rác nguy hại, chất thải cồng kềnh mang ra điểm tập kết quy định rất thấp. Tình trạng đổ trộm, đổ lẫn vào chất thải rắn sinh hoạt còn lại vẫn còn tồn tại. Tại một số khu vực chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong công tác bố trí, lắp đặt các điểm tập kết chất thải cồng kềnh, nguy hại trên địa bàn. Công tác kiểm tra, xử phạt chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục...
Kiên quyết làm đến cùng
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, hộ gia đình và cá nhân ở đô thị phải đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì. Tại khoản 1, Điều 26, Nghị định 45/2022 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Chế tài xử phạt này nhằm góp phần thúc đẩy người dân thay đổi hành vi, tăng tính răn đe trong xã hội góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, mức xử phạt đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt là đã đủ sức răn đe song chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện phân loại chất thải.
Bên cạnh đó, mức phạt đối với hành vi không phân loại rác là khá cao đối với những hộ gia đình có thu nhập thấp. “Việc phạt có thể là một giải pháp, nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó để thực hiện với những hộ gia đình thu nhập thấp. Họ sẽ không hiểu và không biết cách thực hiện. Cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để người dân thay đổi ý thức chứ không thể áp dụng hình phạt ngay” - chị Đỗ Thu Hồng, người dân ở phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ.
Cùng với đó, chị Hồng cho rằng việc phạt tiền sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu không có sự hướng dẫn và hỗ trợ đầy đủ cho người dân. Việc áp dụng hình phạt chỉ có thể có tác dụng khi mọi người đều hiểu và thực hiện đúng quy định.
Tuy nhiên, khi luật được ban hành một cách công khai và rộng rãi, bắt buộc các cá nhân trong xã hội phải “nắm bắt” và thực hiện đầy đủ. Kiên quyết làm, làm đến cùng, phân rõ trách nhiệm, đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII).

Rác thải rắn cần được phân loại và để ở đúng nơi quy định.
“Trước hết nói nội dung và mục tiêu trong luật về xử lý, phân loại rác là cực kỳ quan trọng và đúng đắn. Muốn có kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm ngân sách, phải phân loại rác từ đầu nguồn. Tại sao luật ra lại chưa khả thi là liên quan đến điều kiện thực hiện. Muốn phân loại rác đầu tiên phải đồng bộ, phân loại ngay từ đầu nguồn. Sau đó đến khâu thu gom, trung chuyển, tập kết, xử lý cũng đều phải phân loại”- bà An nói, đồng thời đặt câu hỏi: Vì sao không đồng bộ, vì điều kiện, khả năng, vật chất chúng ta thiếu. Ngay cả người dân và các tỉnh, thành phố cũng chưa đủ cơ sở vật chất cho việc phân loại rác. Hộ gia đình phân loại xong thì các xe thu gom, công ty môi trường không đủ điều kiện, đến lúc tập kết cũng không đủ điều kiện để phân loại...
Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, về hành lang pháp lý, chế tài xử lý đã có, đã đủ sức nặng nhưng về phía cơ quan chức năng chưa có cơ chế giám sát nên khó thực hiện trong thực tế. Xử phạt là đánh vào túi tiền người dân sẽ có tác dụng ngay. Một trường hợp bị xử phạt sẽ có hiệu quả hơn nhiều lần tuyên truyền bởi những người khác trông vào đó mà điều chỉnh hành vi của mình. Từ đó, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng với tình hình cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ như hiện nay thì việc xử phạt là rất khó. Trong trường hợp khi chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến việc phân loại, thu gom, xử lý rác được đầu tư, vận hành một cách đồng bộ mà người dân không chấp hành thì lúc đó mới đề cập đến vấn đề tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe. Đặc biệt cần quy trình hóa và phân công cụ thể việc phát hiện, lập biên bản và xử lý các vi phạm này.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Nếu không thực hiện thì cứ xử lý theo luật
Việc không phân loại rác thải không chỉ gây lãng phí mà còn gây hại cho môi trường. Vấn đề đầu tiên là nhận thức của người dân. Vấn đề thứ 2 là điều kiện thực thi, yếu tố này hết sức quan trọng, đó là phân loại rồi để làm gì, phải trả lời được câu hỏi đó. Phạt là chuyện cực chẳng đã. Ban đầu, ý thức người dân là phải hiểu. Điều kiện cho người ta thực thi mà không thực thi thì chúng ta phạt. Còn phạt bây giờ dễ hơn ngày xưa nhiều vì chúng ta có hệ thống camera.
Người dân sẵn sàng thực hiện, vấn đề là sự vào cuộc thật sự của cơ quan quản lý các cấp trong đó đặc biệt là cấp chỉ đạo chung của tỉnh và cấp thực thi ở phường xã, để xem quy định của nghị định như vậy thực thi như thế nào. Nếu hạ tầng tốt, có đầu ra rõ ràng thì dân sẵn sàng chấp hành. Cơ bản đã đủ hành lang pháp lý từ Luật, Thông tư, Nghị định, xử phạt hay chưa. Thứ hai là quản lý nhà nước, cần phải kiểm soát, kiểm tra xem tỉnh, địa phương nào không thực hiện, lý do vì sao không thực hiện và có các chế tài, yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Còn nếu không thực hiện thì cứ theo luật quy định mà xử lý.
Công nhân môi trường có quyền từ chối thu gom nếu rác chưa được phân loại
Theo Thông tư 35/2024/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 3/2, quy định về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nhân môi trường có thể từ chối thu gom chất thải nếu không phân loại hoặc không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương.
Trong đó, tại mục 2, Điều 5 của Thông tư nêu rõ, đơn vị thu gom có trách nhiệm di chuyển phương tiện từ điểm tập kết đến vị trí thu gom, đồng thời hướng dẫn người dân bỏ chất thải vào đúng vị trí trên phương tiện thu gom. Trong trường hợp công nhân môi trường phát hiện chất thải chưa phân loại hoặc không đúng quy cách, họ có quyền từ chối tiếp nhận.
Theo chia sẻ của một số công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 4), sau Tết, lượng rác tăng đột biến, chất đống trên vỉa hè gần điểm tập kết, nhưng đa số hộ dân vẫn chưa phân loại. Rác thải từ các hộ gia đình thường bị đổ chung với nhau, từ vỏ lon, chai lọ đến thực phẩm hay cành cây, khiến công nhân không thể từ chối thu gom, dù vi phạm quy định.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc từ chối thu gom rác thải chưa phân loại là một quy định quan trọng, vì nếu không phân loại đúng ngay từ nguồn, sẽ khó áp dụng các phương pháp xử lý rác tiên tiến, đồng thời ảnh hưởng đến việc tận dụng rác như một nguồn tài nguyên cho nền kinh tế tuần hoàn. x.ban