Phân Hiệu HV Thanh thiếu niên VN đào tạo ngành Luật gắn lý thuyết với thực hành
Ngành Luật không chỉ giới hạn trong phạm vi tư pháp truyền thống mà đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới.
.t1 { text-align: justify; }
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số đặt ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đồng thời am hiểu luật pháp.
Theo tìm hiểu, năm 2025, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành Luật. Chi tiết như sau:

Mở đào tạo ngành Luật xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Lụa - Phó Trưởng khoa, Khoa Chính trị học, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Phân hiệu quyết định mở đào tạo ngành Luật xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Tiến sĩ Trần Thị Lụa lý giải: "Với sự phát triển hiện nay thì nguồn nhân lực pháp lý có trình độ chuyên môn vững vàng, đạo đức nghề nghiệp và khả năng thích ứng với bối cảnh hội nhập là yêu cầu tất yếu.
Trong một xã hội ngày càng chú trọng tính pháp quyền, việc hiểu và vận dụng đúng pháp luật là nền tảng cho mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… Đây cũng chính là cơ hội và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc góp phần đào tạo đội ngũ cử nhân Luật chất lượng.
Ngành Luật từ lâu đã giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội, chính vì thế Phân hiệu quyết định mở ngành Luật đào tạo để đồng hành cùng xã hội tạo nên thế hệ những người am hiểu pháp luật, bản lĩnh nghề nghiệp.
Ngành Luật không chỉ giới hạn trong phạm vi tư pháp truyền thống mà đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như: Luật kinh doanh quốc tế, luật sở hữu trí tuệ, luật môi trường và cả pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo hay chuyển đổi số.
Phân hiệu mở ngành Luật là bước đi chiến lược nhằm đón đầu xu thế phát triển này. Mục tiêu của Phân hiệu không chỉ đào tạo kiến thức nền tảng mà còn tích hợp nhiều kỹ năng mềm, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tiễn. Đây sẽ là hành trang giúp sinh viên ngành Luật đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động hiện nay".

Tiến sĩ Trần Thị Lụa - Phó Trưởng khoa, Khoa Chính trị học, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Về chương trình đào tạo, Tiến sĩ Trần Thị Lụa cho hay, không giống như nhiều chương trình Luật truyền thống chỉ tập trung vào pháp luật chung, chương trình đào tạo Luật tại Phân hiệu có sự gắn kết giữa pháp luật và công tác thanh thiếu niên đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực như Luật Thanh niên, Luật trẻ em, Chính sách pháp luật liên quan đến tổ chức Đoàn, Hội, Đội; Tư pháp cho người chưa thành niên.
Chương trình đào tạo có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được tham gia thực tập, thực tế tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt là tổ chức Đoàn Hội, cơ quan pháp luật, tòa án, viện kiểm sát. Bên cạnh đó nhà trường thành lập các câu lạc bộ luật gia để các em có cơ hội tổ chức mô phỏng phiên tòa giả định, hoạt động ngoại khóa thông qua câu lạc bộ pháp luật để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Là sinh viên của Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên được tham gia nhiều các hoạt động phong trào giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo – đây là điều rất cần thiết cho sinh viên ngành Luật sau tốt nghiệp ra trường.
Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của thị trường nhân lực, các cơ sở đào tạo phải luôn nỗ lực thay đổi để tạo ra môi trường rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh xây dựng nền tảng vững chắc về lý thuyết. Mới mở ngành Luật, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam xây dựng nhiều chính sách ra sao để thu hút sinh viên.
Chẳng hạn, các chương trình học bổng đầu vào dành cho sinh viên thủ khoa, á khoa của ngành, học bổng dành cho sinh viên vượt khó, học bổng dành cho người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nhà trường có rất nhiều các hoạt động do các câu lạc bộ trong trường nhằm rèn luyện kỹ năng mềm cho các em để sinh viên tự tin sau khi tốt nghiệp.
Cũng theo cô Lụa, một trong những mục tiêu quan trọng mà Phân hiệu xây dựng khi đào tạo ngành Luật đó là sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có nhiều cơ hội thực hành và tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp đa dạng.
Đối với thực hành trong trường, các em được tham gia các buổi thực hành giả định tại tòa án với vai trò thẩm phán, luật sư, kiểm soát viên, bị cáo, nhân chứng… nhằm rèn luyện kỹ năng tranh tụng, phân tích tình huống pháp lí. Trong quá trình học, sinh viên được thảo luận các tình huống pháp lí thực tế như dựa trên các vụ án có thật (đã được ẩn danh) sinh viên cùng giảng viên phân tích quy trình, áp dụng luật và xử lí tình huống giúp cho các em rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai.
Đối với thực tập tại các đơn vị ngoài trường (doanh nghiệp, tổ chức pháp lí, cơ quan nhà nước…), sinh viên có cơ hội thực hành, quan sát trực tiếp quy trình xét xử, tiếp cận hồ sơ vụ án, làm việc với cán bộ chuyên môn.
Tại các công ty luật, văn phòng luật sư, các em được thực hành tư vấn pháp luật, soạn thảo hợp đồng, đơn kiện, tiếp xúc với khách hàng. Với các tổ chức phi chính phủ (NGOs), sinh viên nghiên cứu pháp lý liên quan đến quyền con người, quyền của thanh niên, quyền trẻ em.
"Phân hiệu đang nỗ lực liên kết với nhiều cơ quan, đơn vị pháp lý và doanh nghiệp phía Nam để kết nối tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, làm thêm… bên cạnh đó Phân hiệu chủ động tham gia các hội thảo nghề nghiệp để kết nối giữa sinh viên và các đơn vị tuyển dụng có nhu cầu ngành Luật", cô Lụa khẳng định.
Chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Tiến sĩ Trần Thị Lụa chia sẻ thêm, cơ sở vật chất của Phân hiệu từng bước được đầu tư và nâng cấp theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Hệ thống giảng đường, phòng học, thư viện và các khu vực phục vụ sinh viên được cải thiện đáng kể, tạo môi trường học tập thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Phân hiệu.

Sinh viên Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đội ngũ giảng viên của ngành Luật thuộc Khoa Chính trị học quản lý không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển của cơ sở đào tạo đại học. Hiện tại, Khoa có 10 giảng viên, trong đó có 05 tiến sĩ, 06 thạc sĩ, 01 nghiên cứu sinh và hơn 40 giảng viên thỉnh giảng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để tổ chức giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Luật. Chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao, đảm bảo thực hiện tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên.
Cũng theo cô Lụa, ngành Luật tại Phân hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần vào sự phát triển của tổ chức Đoàn và các ngành khoa học xã hội trong khu vực phía Nam.
"Tại các cơ sở đào tạo ngành Luật nói chung và tại Phân hiệu nói riêng, ngành Luật không chỉ đóng góp vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý mà còn góp phần phát triển nguồn nhân lực cho các tổ chức chính trị xã hội trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các lĩnh vực khoa học xã hội khác.
Sinh viên ngành Luật, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại trường học, địa phương và trong các tổ chức thanh niên. Họ đóng vai trò nòng cốt trong việc lan tỏa hiểu biết về pháp luật, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.
Một số sinh viên ngành Luật của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đang giữ vị trí quan trọng trong tổ chức Đoàn các cấp, với nền tảng pháp lí vững chắc, tư duy phản biện tốt và đạo đức nghề nghiệp, họ là những cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên", Tiến sĩ Trần Thị Lụa nhấn mạnh.
Khoa Chính trị học của Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đào tạo, nghiên cứu giảng dạy về lĩnh vực khoa học chính trị. Hiện nay Khoa quản lý hai ngành học gồm ngành Luật học và ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước.
Với chương trình đào tạo hiện đại, gắn lí thuyết với thực hành giúp trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng vững chắc về khoa học chính trị, chuyên môn được đào tạo chuyên sâu theo ngành học.